> Không cần lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế
Ảnh minh họa. |
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu, nếu so với tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nuớc thì “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới là kinh khủng vì khi đó lợi ích nhóm sẽ nổi lên”. Ngay trong năm 2012, dứt điểm việc xử lý tất cả ngân hàng yếu kém, nhưng sẽ không để bất kể tổ chức tín dụng nào đổ vỡ và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Năm 2013 tiếp tục quá trình hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng theo hướng các ngân hàng tự nguyện sáp nhập lại với nhau để tăng quy mô, tăng khả năng tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh giai đoạn sắp tới. Từ năm 2014-2015, sẽ hình thành ít nhất 1-2 ngân hàng tầm cỡ khu vực.
“Trong khu vực Đông Nam Á, ngân hàng gọi là có tiếng trung bình có tổng tài sản khoảng 50 tỷ USD. Còn ở Việt Nam, hiện lớn nhất là Agribank mới có tổng tài sản khoảng 25 tỷ USD”- ông Bình nói.
Hệ thống tín dụng Việt Nam nên còn bao nhiêu ngân hàng? Theo Thống đốc rất khó xác định nhưng về cơ bản tiến đến khoảng 80% thị phần sẽ thuộc về 12-15 ngân hàng lớn. Các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn hoạt động nhưng theo quy chế riêng, phân khúc riêng và có những đặc thù riêng.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cho biết sẽ đưa ra 5 giải pháp chủ yếu, như: hoàn thiện phân loại các nhóm DNNN theo vốn điều lệ; đẩy mạnh cổ phần hóa đến 2015 phải xong; tái cấu trúc DNNN theo hướng nâng cao quản trị; tăng cường quản lý Nhà nước bằng kiểm tra kiểm soát thông tin và kiểm toán, thanh tra; sắp xếp đổi mới các công ty nông trường quốc doanh.