Theo bản án sơ thẩm, ngoài công việc ở ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như còn buôn bán bất động sản. Khi xảy ra nợ nần, Huyền Như đã đi vay gần 200 tỷ đồng với lãi suất cao, song vẫn không giải quyết được nợ. Vì vậy, Như nghĩ đến việc vay mượn tiền của các Cty, ngân hàng, cá nhân núp dưới hình thức huy động vốn hoặc ủy thác đầu tư vốn, để chiếm đoạt.
Chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng
Trước Toà, Như thừa nhận, thông qua Vũ Minh Hải, nhân viên Cty CP chứng khoán Ocean Bank, Như biết Cty CP chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) có nguồn tiền muốn gửi vào ngân hàng. Như đã liên hệ với kế toán trưởng của Cty là Vũ Thị Mỹ Linh thỏa thuận lãi suất
14%/năm cộng với lãi suất phí ngoài hợp đồng, tổng cộng từ
16 - 18%/năm.
Như thừa nhận đã thực hiện 14 hợp đồng, mẫu dấu, chữ kí giả ủy thác đầu tư và phụ lục hợp đồng kèm theo được ký giữa SBBS với Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè. Mẫu dấu của Cty SBBS và chữ ký của các bà Yei Pheek Joo, Tổng giám đốc Cty SBBS trên các lệnh chi cũng được Như làm giả. Đại diện Cty SBBS cho rằng: “Không biết hợp đồng ủy thác là giả, không biết chữ ký, con dấu giả. Nhận thức của SBBS đấy là hợp đồng thật”.
Để thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt 225 tỷ đồng của Cty SBBS, Huyền Như nói đã chi cho Vũ Minh Hải khoảng 30 tỷ đồng tiền môi giới. Nhưng trong lời khai trước cơ quan điều tra, Hải chỉ thừa nhận 20 tỷ đồng, trong đó Hải hưởng 7 tỷ, chia cho Vũ Thị Mỹ Linh, kế toán trưởng Cty SBBS 13 tỷ (Linh thừa nhận 9,9 tỷ đồng).
Tương tự thủ đoạn trên, Huyền Như đã chi cho Lê Thị Trúc Giang 1,7 tỷ đồng, Lê Huyền Trân 5 tỷ đồng, là tiền chênh lệch ngoài hợp đồng để được Cty Bảo hiểm Toàn cầu gửi tiền vào Vietinbank và chiếm đoạt 125 tỷ đồng của Cty này. Ngoài ra, bị cáo Huyền Như cũng chiếm đoạt 170 tỷ đồng của Cty Cổ phần đầu tư An Lộc, Cty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông 380 tỷ đồng.
Như vậy, Huyền Như thừa nhận đã chiếm đoạt tổng cộng của 3 ngân hàng, 9 Cty và 3 cá nhân với số tiền 4.000 tỷ đồng.
Vietinbank từ chối bồi thường
Trong phần xét hỏi chiều 17/12, Cty SBBS, Cty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu và Cty Cổ phần đầu tư An Lộc (gọi tắt Cty An Lộc), Cty Cổ phần chứng khoán Phương Đông kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền Huyền Như chiếm đoạt. Đại diện Cty SBBS kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, yêu cầu Vietinbank phải bồi thường 210 tỷ đồng. Cty Bảo hiểm Toàn cầu yêu cầu bồi thường 137 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc và lãi). Cty An Lộc đòi bồi thường 170 tỷ đồng tiền gốc và gần 14 tỷ đồng tiền lãi.
Trước HĐXX, bị cáo Huyền Như nói hồ sơ mở tài khoản của Cty SBBS là hợp lệ. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi thủ tục, quy trình mở hồ sơ cho Cty này thì Như cho rằng Cty SBBS không đến mở tài khoản mà hồ sơ qua một trung gian.
Đại diện của Cty SBBS cho rằng trách nhiệm giữ tiền trong tài khoản của khách hàng là thuộc về Vietinbank, nên khi xảy ra mất mát thì ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, đại diện Vietinbank từ chối trách nhiệm bồi thường.
Phía Cty Bảo hiểm Toàn cầu cho rằng số tiền 125 tỷ đồng gửi vào tài khoản của họ tại Vietinbank là hợp pháp. Luật sư Đặng Ngọc Châu, bảo vệ quyền và lợi ích cho Cty Bảo hiểm Toàn cầu đã dẫn văn bản do lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TPHCM xác nhận nguồn tiền này là hợp pháp. Tuy nhiên đại diện Vietinbank cho rằng việc gửi tiền vào là trái luật. Theo phía Vietinbank, Cty Bảo hiểm Toàn cầu vì hám lợi, không quản lí sự biến động của tài khoản nên Vietinbank không chịu trách nhiệm về giao dịch bất hợp pháp.
Trước HĐXX, đại diện Cty CP chứng khoán Phương Đông kháng cáo, đề nghị Tòa xem lại tư cách tham gia tố tụng của Cty này và yêu cầu Vietinbank bồi thường 380 tỷ đồng (cả gốc và lãi) mà Huyền Như chiếm đoạt. Tuy nhiên, đại diện Vietinbank giữ quan điểm cho rằng trách nhiệm không thuộc về Vietinbank vì Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối, làm cho Cty tưởng giả là thật nên giao tiền cho Như.
Cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng thủ đoạn gian dối, khiến các Cty tưởng giả là thật nên giao tiền cho Như, nên phía đại diện Vietinbank giữ quan điểm cho rằng trách nhiệm không thuộc về Vietinbank.