Xử Huyền Như: Tiền huy động là tài sản của ai?

Dẫn giải bị cáo Huyền Như
Dẫn giải bị cáo Huyền Như
TP - Hôm qua, ngày thứ hai phiên xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm, HĐXX xoáy sâu vào nhiều vấn đề liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng, việc quản lý tài khoản tiền gửi... Trong khi đó, bị cáo Huyền Như chỉ xin Tòa xem xét trả lại căn biệt thự trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ mình.

HĐXX đã thẩm vấn các vấn đề liên quan đến thủ tục mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, trong đó tập trung vào thủ tục tại Ngân hàng Vietinbank. Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trả lời, với cá nhân thì chỉ cần mang CMND, giấy đề nghị mở tài khoản; đối với tổ chức thì bộ hồ sơ gồm giấy phép kinh doanh, chủ tài khoản phải là giám đốc hoặc kế toán trưởng hoặc là người được ủy quyền, con dấu và chữ ký. Khi mở tài khoản, chủ tài khoản được ngân hàng thông báo và có quyền sử dụng tài khoản này.

Huyền Như “không có chức danh”


Bị cáo Huyền Như thừa nhận làm giả bộ hồ sơ của Cty TNHH Đầu tư Phúc Vinh và Cty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát. Sau khi tiếp nhận 2 bộ hồ sơ thật của các Cty trên, Huyền Như thay đổi bằng 2 bộ hồ sơ giả, làm giả con dấu và chữ kí của 2 Cty trên với mục đích thực hiện hành vi chuyển tiền để chiếm đoạt. Riêng hồ sơ của Cty Hưng Yên, Huyền Như vẫn giữ bộ hồ sơ thật, không đánh tráo hồ sơ giả, vì theo Huyền Như chữ kí trong hồ sơ của Cty này dễ kí giả nên không cần phải làm giả hồ sơ. 

Sau đó, Huyền Như đưa hồ sơ cho giao dịch viên tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank chi nhánh TPHCM để mở tài khoản. Bị cáo Như cũng thừa nhận thực hiện rất nhiều hợp đồng chuyển tiền giả, lệnh chi giả của các Cty trên để chuyển tiền đi nhằm chiếm đoạt của khách.

Khi Tòa hỏi Huyền Như có phải là người có chức vụ trong Vietinbank không, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, đại diện ủy quyền cho Vietinbank cho rằng Huyền Như không nằm trong cơ cấu quản lý, không có chức danh, quyền hạn. Huyền Như chỉ đảm nhận vai trò trông coi, quản lý tài sản và các nhân viên ở Phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

Được phép gửi tiền sang ngân hàng khác để thu lãi?

HĐXX tiếp tục thẩm vấn các vấn đề có liên quan đến tổ chức tín dụng, quy chế, quy định mở tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm, có mấy loại tài khoản, sự giống và khác nhau giữa các tài khoản đó, quy trình thủ tục mở tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm. Đặc biệt là trách nhiệm của Vietinbank đối với khách hàng trong việc quản lý tài khoản.

Trong đó, HĐXX đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc ngân hàng thu phí tài khoản của khách để làm gì, ngân hàng huy động vốn theo hình thức nào? Tiền của khách hàng vào tài khoản của ngân hàng thì có được coi là tài sản của ngân hàng đó không, ai là người quản lý tài khoản của khách, ai quản lý tiền trong tài khoản, có quy định nào về việc ngân hàng này trực tiếp hoặc qua trung gian gửi tiền cho ngân hàng khác để lấy lãi?... 

Thế nhưng, mỗi đại diện ngân hàng lại có những ý kiến khác nhau về các vấn đề trên và có biểu hiện lúng túng khi trả lời. Đại diện Vietinbank đồng ý với câu trả lời của bị cáo Như. Đại diện Vietinbank cho rằng, ngân hàng thu phí để duy trì tài khoản cho khách hàng chứ không phải là phí quản lý tài khoản. 

Đại diện Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Navibank cho rằng không có quy định nào cấm cả, nên các ngân hàng vẫn được phép trực tiếp hoặc qua trung gian gửi tiền cho ngân hàng khác để lấy lãi.

Tiền huy động là tài sản của ai?

“Việc quản lý tài khoản của khách hàng như thế nào? Cụ thể là khi khách hàng gửi tiền vào tài khoản thanh toán thì phía ngân hàng có trách nhiệm giữ gìn tài sản cho khách không? Nếu có thì khi nào giữ?”, HĐXX hỏi.

Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, đại diện ủy quyền của Ngân hàng Vietinbank cho rằng, tài khoản của khách hàng thì do khách hàng quản lý và sử dụng, ngân hàng không có trách nhiệm phải giữ. Tiền này không phải là tài sản của ngân hàng, ngân hàng không sở hữu tài sản của khách. Ngân hàng chỉ tạm thời sử dụng tài khoản của khách hàng gửi phục vụ cho các mục đích tài chính khác...

Với cách giải thích này, HĐXX chất vấn, nếu ngân hàng không sở hữu, không phải là tài sản của mình thì ngân hàng huy động vốn, trả lãi cho khách làm gì? Vị đại diện Vietinbank không trả lời. Trong khi đó, đại diện ACB, Navibank cho rằng đây chính là tiền huy động vốn, là tài sản của ngân hàng; ngân hàng dùng tài sản này để sử dụng vào các mục đích kinh doanh khác...

Chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm “trọng tài” về việc này. Tất cả những người tham gia phiên tòa đều nóng lòng chờ câu trả lời của phía Ngân hàng Nhà nước, thế nhưng sau khi đại diện này đọc đi đọc lại các văn bản dài, chủ tọa phiên tòa yêu cầu đi vào trọng tâm câu hỏi. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không có quy định nào nói về trách nhiệm quản lý tài khoản mà chỉ quy định về nội dung tiền gửi của khách.

Khi đại diện VKS hỏi quyết định 1284 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc mở và quản lý tài khoản như thế nào, vị đại diện này hẹn lúc khác trả lời bằng văn bản. Chủ tọa phiên tòa nói: “Đây là câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng giải quyết được vấn đề lớn”. 

Hôm nay, Tòa tiếp tục làm việc.

Chấp nhận bản án, chỉ xin lại căn nhà 43 tỷ cho mẹ

Kết thúc phiên xét xử chiều nay, bị cáo Huyền Như tỏ ra ăn năn vì lòng tham mà làm ảnh hưởng đến rất nhiều người, trong đó có đồng nghiệp, bạn bè và cả người thân. Huyền Như không kháng cáo, chấp nhận bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng chỉ có một thỉnh cầu là mong HĐXX xem xét trả lại cho mẹ mình căn biệt thự thuộc khu Villa H2 trị giá 43 tỷ đồng tại Nam Hải, Quảng Nam.

MỚI - NÓNG