Vụ Huyền Như: Nguồn tiền bị chiếm đoạt như thế nào?

Bị cáo Huyền Như bật khóc khi được dẫn giải lên xe sau khi phiên tòa sáng nay kết thúc. Ảnh: Việt Văn.
Bị cáo Huyền Như bật khóc khi được dẫn giải lên xe sau khi phiên tòa sáng nay kết thúc. Ảnh: Việt Văn.
TPO - Sáng nay, 17/12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tiếp tục xét hỏi xoay quanh đường đi của số tiền các công ty bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt. Nhiều công ty nêu yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Mượn tài khoản mẹ chồng nhân viên chuyển tiền

Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận, thông qua Vũ Minh Hải, nhân viên Công ty  CP CK Ocean Bank, giới thiệu, Như biết Công ty SBBS có nguồn tiền muốn gửi vào ngân hàng. Như đã liên hệ với kế toán trưởng của công ty lúc đó là Vũ Thị Mỹ Linh, thỏa thuận lãi suất 14%/năm cộng với lãi suất phí ngoài hợp đồng, tổng cộng từ 16 đến 18%/năm.

Tại phiên tòa, bị cáo Huyền Như thừa nhận đã thực hiện 14 hợp đồng, mẫu dấu, chữ kí giả ủy thác đầu tư và phụ lục hợp đồng kèm theo được ký giữa Công ty SBBS với Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè. Mẫu dấu của Công ty SBBS và chữ ký của các bà Yei Pheek Joo, Tổng Giám đốc Công ty SBBS trên các lệnh chi cũng bị Như làm giả.

Để chiếm đoạt 225 tỷ đồng của Công ty SBBS, Như đã yêu cầu công ty này mở tài khoản tại Vietbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản của công ty này tại Vietbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Như đã làm giả các lệnh chi để chuyển trả cho các tổ chức và cá nhân mà Như vay trước đó.

Để chuyển số tiền của Công ty SBBS ra khỏi tài khoản, Huyền Như đã mượn tài khoản của mẹ chồng giao dịch viên Phạm Thị Tuyết Anh (Phòng giao dịch Điện Biên Phủ).

Tại phiên tòa, bị cáo Tuyết Anh cho biết, vì bị áp lực chỉ tiêu sau khi vừa nghỉ thai sản, đã mở tài khoản cho mẹ chồng của mình là bà Nguyễn Thị Thơm tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Thời điểm mở tài khoản này chưa có phát sinh giao dịch giữa Công ty SBBS với Vietinbank.

Vụ Huyền Như: Nguồn tiền bị chiếm đoạt như thế nào? ảnh 1

Nhiều đơn kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền Huyền Như chiếm đoạt vì cho rằng Vietinbank có trách nhiệm trong vụ này. Ảnh Việt Văn.

Tại phiên tòa, bị cáo Tuyết Anh khai, Huyền Như đề nghị cho mượn tài khoản của mẹ chồng mình để chuyển tiền giúp khách hàng nên đồng ý, chứ không biết Như chiếm đoạt, cũng như thực hiện lệnh chi tiền giả.

Bà Nguyễn Thị Thơm cho rằng, con dâu nói bị áp lực chỉ tiêu nên cần mở tài khoản. Sau đó, gia đình gửi tiền vào đây. Bà không biết Phòng giao dịch Điên Biên Phủ đã dùng tài khoản này chuyển tiền vào, rút tiền đi để chiếm đoạt. Khi cơ quan điều tra mời lên làm việc, bà mới biết.

HĐXX thẩm vấn bà Thơm đã bao nhiêu lần kí giấy nhận tiền mặt, bà nói không nhớ. Bà Thơm thừa nhận có ký nhận tiền cho con dâu.

Ngoài ra, sau khi Công ty SBBS đồng ý gửi tiền, Huyền Như khai, đã chi tiền cho Vũ Minh Hải khoảng 30 tỷ đồng tiền môi giới, nhưng Hải chỉ thừa nhận 20 tỷ đồng, trong đó Hải hưởng 7 tỷ, chia cho Vũ Thị Mỹ Linh, kế toán trưởng Công ty SBBS 13 tỷ, Linh thừa nhận là 9, 9 tỷ đồng. Tại tòa, Như khai số tiền 30 tỷ này là tiền cá nhân của mình.

Tương tự, Huyền Như đã chi cho Lê Thị Trúc Giang 1,7 tỷ đồng, Lê Huyền Trân 5 tỷ là tiền chênh lệch ngoài hợp đồng để được Công ty Bảo hiểm Toàn cầu gửi tiền vào Vietinbank. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, Như đã chiếm đoạt 125 tỷ đồng của công ty này.

Vụ Huyền Như: Nguồn tiền bị chiếm đoạt như thế nào? ảnh 2

Số lượng người tham gia tố tụng tại phiên tòa vẫn đông như ngày đầu. Ảnh Việt Văn.

Yêu cầu Vietinbank bồi thường

Đó là nội dung kháng cáo của các Công ty CP CK Saigonbank-Berjaya (SBBS), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu và Công ty Cổ phần đầu tư An Lộc (gọi tắt Công ty An Lộc).

Theo đó, đại diện Công ty SBBS kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, yêu cầu Vietinbank phải bồi thường 210 tỷ đồng. Công ty Bảo hiểm Toàn cầu yêu cầu bồi thường 137 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc và lãi). Công ty An Lộc đòi bồi thường 170 tỷ đồng tiền gốc và gần 14 tỷ đồng tiền lãi suất.

Ông Nguyễn Đức Thắng, đại diện ủy quyền cho Công ty Bảo hiểm Toàn cầu cho rằng, việc công ty mở tài khoản tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM là hợp pháp, đúng quy trình. Công ty mở tài khoản thanh toán tự nguyện và nhằm mục đích để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Đai diện Viện kiểm sát hỏi vì sao Công ty kí hợp đồng ủy thác đầu tư tại Chi nhánh Vietinbank Nhà Bè mà tiền lại chuyển về Phòng giao dịch Điện Biên Phủ?

Ông Thắng cho rằng, do công ty chỉ có một tài khoản ở Ngân hàng Vietinbank được đăng kí mở ở Phòng giao dịch Điện Biên Phủ nên phải chuyển tiền vào đó.

Ông Thắng cũng cho rằng, ngoài lãi suất 14%, công ty hoặc cá nhân của công ty không nhận thêm bất cứ khoản tiền, lợi ích vật chất nào khác từ Huyền Như.

Phía Công ty SBBS cho rằng họ mở tài khoản thanh toán tại tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM và sau đó đã chuyển vào tài khoản 225 tỷ đồng.

Đến ngày 31/8/2011, Công ty có thực hiện lệnh chi và rút 15 tỷ đồng. Số còn lại ở trong tài khoản của công ty tuy nhiên sau khi kiểm tra thì công ty phát hiện số tiền còn lại đã bị chuyển đi mất.

Do đó, theo Công ty SBBS, trách nhiệm giữ tiền trong tài khoản của khách hàng là thuộc về Vietinbank nên khi xảy ra mất mát thì ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường.

Cũng kháng cáo yêu cầu Vietinbank bồi thường số tiền bị mất, Công ty An Lộc yêu cầu ngân hàng này trả lại gần 185 tỷ đồng bao gồm tiền gốc và lãi.

Buổi chiều nay, phiên tòa tiếp tục xét xử.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.