Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố quyết định thành lập 3 trường thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, gồm Trường Cơ khí (trên cơ sở tổ chức lại Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt - Lạnh), Trường Điện - Điện tử (trên cơ sở tổ chức lại Viện Điện, Viện Điện tử Viễn thông và Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA), Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (trên cơ sở tổ chức lại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông). Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc thành lập trường thuộc trường sẽ tăng quyền tự chủ cho các đơn vị. Tuy nhiên, khác với các trường ĐH thành viên trực thuộc ĐH quốc gia hay ĐH vùng, các trường thuộc Trường ĐH Bách khoa không có tư cách pháp nhân, nên việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM chính thức công bố chiến lược tái cấu trúc nhà trường, hướng đến ĐH UEH đa ngành và bền vững. GS.TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết, trường thành lập 3 trường thành viên, gồm Trường Kinh doanh UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH và Trường Công nghệ và Thiết kế UEH. Theo lộ trình hướng đến mô hình ĐH tương lai, giai đoạn 2022-2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập ĐH UEH, giai đoạn 2026-2030 thành lập Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành Trường ĐH của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tiến trình phát triển Trường ĐH Kinh tế TPHCM thành ĐH UEH, vấn đề được người học quan tâm nhất là tuyển sinh, đào tạo và văn bằng tốt nghiệp. Về vấn đề này, ông Phong cho hay, dù có thêm 3 trường thành viên trong năm nay nhưng việc cấp bằng tốt nghiệp vẫn do Trường ĐH Kinh tế TPHCM thực hiện. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, khẳng định, phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Một số ngành mới sẽ được bổ sung vào danh mục mã ngành đào tạo của trường. GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng nhà trường, nói rằng, trường không chỉ đào tạo mà còn nghiên cứu khoa học.
Hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp
Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mô hình quản trị hiệu quả hơn thì hệ thống trơn tru hơn, tối ưu hóa nguồn lực, do đó người học hưởng lợi cả trực tiếp và gián tiếp.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho hay, có 3 yếu tố cơ bản và điều kiện để tạo ra xu hướng thành lập trường trong trường. Đó là xu hướng trao quyền và phân cấp trách nhiệm với mô hình quản lý linh hoạt đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học; đổi mới mô hình để nghiên cứu, sáng tạo hơn trong giáo dục; và xu hướng mở rộng lĩnh vực của các trường ĐH lớn.
Ông Sơn cho rằng, xu hướng thành lập trường trong trường sẽ có tác động tốt vì khi phân cấp phân quyền nhiều hơn, vai trò chủ động sáng tạo ở cấp dưới tăng lên, tạo động lực phát triển tới từng giảng viên. Theo ông, trước đây, các khoa đào tạo theo sự định hướng chuyên môn của trường. Với xu hướng phát triển trường trong trường, mỗi đơn vị có thể định hướng lấy chương trình đào tạo là cốt lõi, phục vụ sinh viên. Tuy nhiên, ông Sơn nói rằng, xu hướng này cũng có những khó khăn, thách thức. Trong đó, quan trọng nhất chính là năng lực đội ngũ ở mỗi đơn vị.
Ông so sánh xu hướng này với câu chuyện tự chủ ĐH. Ví dụ, để có được tự chủ và phát triển như hiện tại, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có sự chuẩn bị suốt 10 năm qua, từ khi chưa có nghị quyết thí điểm tự chủ của Chính phủ như việc thành lập, phân quyền cho các viện được hiểu là giai đoạn quá độ để thực hiện tự chủ. Hiện nay, hai trường ĐH chuyển mô hình đều thực hiện thí điểm tự chủ nên cơ bản đã có kinh nghiệm.
Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc xây dựng mô hình trường trong trường không đơn giản chỉ là đổi tên. Quan trọng là các trường ÐH được “bung” ra để phát triển theo xu hướng tự chủ toàn diện để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, sáng tạo và phát triển đội ngũ.
“Bản thân từng trường “con” trong tập trường “mẹ” cũng phải xây dựng chiến lược phát triển, mỗi trường có một thế mạnh nên phải xác định sứ mạng của mình để cùng chia sẻ nguồn lực. Từ đó, quyết định mô hình, tổ chức quản trị, quan hệ với trường “mẹ” như thế nào. Vai trò giám sát điều phối như thế nào. Vai trò của trường “mẹ” cũng khác, trước kia là mệnh lệnh, giao nhiệm vụ, bây giờ là giao mục tiêu, phân bổ nguồn lực, chịu trách nhiệm đánh giá mục tiêu”, ông Sơn nói.