Bến tàu xóm Lộc ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 50 km) có nhiều người chuyên làm nghề bốc vác đá lạnh thuê.
Trong đó hàng chục phụ nữ góa chồng vật lộn mưu sinh. Công việc của họ là lên tàu thuyền trước lúc ra khơi để khuân vác đá.
Những người phụ nữ này trong độ tuổi 40 đến 60. Chồng của họ là những ngư dân bị sóng bão nhấn chìm trên biển. Gạt đi nỗi đau, họ hàng ngày gồng gánh mưu sinh với nghề vác đá thuê để nuôi con.
Bà Bùi Thị Vượng (60 tuổi, ở xóm Thắng Lộc, xã Ngư Lộc) là một trong những người lớn tuổi nhất tại đây. Chồng của góa phụ này mất cách đây 28 năm do chìm tàu trên biển. Hơn 30 năm qua, ngoài cào ngao, mò tôm cá ở sông, bà còn sống bằng nghề phu vác đá. “Dù thu nhập không cao nhưng ổn định. Bằng số tiền này, tôi tích góp nuôi 4 đứa con nên người”, bà tâm sự.
Theo bà Vượng, nghề bốc vác đá thuê có cách đây hơn 40 năm. Mỗi lần cập bến, tàu thuyền không thể đậu sát bờ nên việc vận chuyển ngư lưới, đá lạnh gặp khó khăn.
Vì thế, các chủ tàu phải thuê người làm. Và những người phụ nữ này là lực lượng luôn túc trực để sẵn sàng nhận việc.
Công việc nặng nhọc này luôn rình rập đầy mối nguy hiểm. “Việc bị các con hàu sắc lẽm cứa, đá trơn tuột rớt phải chân là chuyện thường. Người không may bị đá rớt trúng chân bầm tím, đau gân có khi phải nghỉ hàng tháng trời”, chị Nguyễn Thị Mão (42 tuổi) cho hay.
Bàn chân của những người phụ nữ này nhợt nhạt, da bị bong tróc sau một buổi làm việc vất vả.
Vác trên vai mỗi viên đá nặng 35 kg, nhưng họ chỉ kiếm được 3.000 đồng/khối nước đá. Mỗi ngày trung bình họ thu nhập được 40.000 đến 50.000 đồng.
Sau một buổi sáng, bà Nguyễn Thị Cậy (51 tuổi) kiếm được 55.000 đồng. Số tiền này, bà tích góp trang trải cho cuộc sống và nuôi hai người con ăn học.