Xót lòng chuyện dạy và học ở rừng Pù Luông

Ngôi trường mầm non thôn Son xiêu vẹo ọp ẹp. ảnh: Phạm Nhài
Ngôi trường mầm non thôn Son xiêu vẹo ọp ẹp. ảnh: Phạm Nhài
TP - Cao Sơn còn được ví như Sa Pa thứ hai của Việt Nam nên vào mùa đông, những đợt gió mùa lùa tứ phía, lạnh thấu xương và sự học ở đây trở nên gian nan bội phần. Mùa đông, ở đây nhiệt độ xuống quá thấp nên cô giáo cho các em nghỉ.

“Đến khi nào các em nhỏ ở Cao Sơn mới được học tập trong điều kiện tốt hơn ở vùng cao này chị…?”. Đó là câu hỏi của cô Ngân Thị Hường - giáo viên dạy lớp 3-4, tại điểm trường Mầm non thôn Son, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) nhấn mạnh về thiệt thòi của các em đang học ở đây.

Trường tạm, lớp ghép

Sau gần 3 tiếng đồng hồ vật lộn với đường rừng, chúng tôi đã có mặt tại Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

Bản Cao Sơn (Cao Sơn là tên gọi chung của ba thôn Son - Bá - Mười, nằm ở độ cao 2.000m so với mặt nước biển trên đỉnh núi Pha Hé (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông). 

Lấp ló dưới làn sương sớm là con đường nhựa trải dài phẳng lỳ rộng thênh thang thông suốt qua 3 thôn, nhiều ngôi nhà mới vừa xuất hiện nơi đây. Nhưng đói nghèo vẫn còn len lỏi, đeo bám đời sống của đồng bào Mường, Thái, nhất là sự học ở đây còn nhiều gian nan.

Dừng chân trước một ngôi nhà xiêu vẹo, nghe tiếng hát ê a của các em thơ, anh Hà Văn Hồng - Tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh thôn Son (xã Lũng Cao), người đồng hành cùng chúng tôi, nói: “Các cô thấy đó, nơi đây cái gì cũng thiếu từ miếng ăn đến cái mặc, thậm chí đến chỗ học cho các cháu cũng không đảm bảo”.

Điểm trường Mầm non thôn Son gọi là trường nhưng thực chất chỉ là một phòng học, rộng 20m2, được “chắp vá” bằng ván gỗ đã mục nát, xiêu vẹo; bên trong, tuềnh toàng với vài chiếc ghế cũ kỹ, nền đất lồi lõm, mái tôn chằng chịt những lỗ thủng…

Cô giáo Ngân Thị Hường (người dân tộc Thái)- một trong hai giáo viên dạy tại điểm Trường Mầm non thôn Son cho biết: Đây là lớp tiểu học được người dân và các thầy giáo ở dưới xuôi vào rừng lấy gỗ xây dựng vào năm 1999. 

Đến năm 2005, trường tiểu học được thành lập, lớp học mầm non chuyển về đây. Bây giờ gần như tất cả đã hư hỏng. Trường chỉ có một phòng, thiếu lớp học nên phải chia thành 2 buổi . Buổi sáng dành cho 19 em ở độ tuổi 3-4 buổi chiều 7 em ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp một học “Lớp học thì hư hỏng hết rồi, đồ dùng dạy và học lại quá thiếu thốn” - cô Hường tâm sự.

Ở điểm Trường mầm non thôn Bá, Mười mọi thứ cũng như vậy, không có lớp nên 2 thôn phải học ghép.

Mượn nhà dân dạy học

Chứng kiến cảnh các em tới trường chân không dép, mặt mũi lem luốc, khoác trên mình mảnh áo mỏng, đôi môi tím tái vì lạnh, ai cũng thấy xót lòng.

Cao Sơn còn được ví như Sa Pa thứ hai của Việt Nam nên vào mùa đông, những đợt gió mùa lùa tứ phía, lạnh thấu xương và sự học ở đây trở nên gian nan bội phần. Mùa đông, ở đây nhiệt độ xuống quá thấp nên cô giáo cho các em nghỉ. Hết đợt nghỉ Tết, vào tháng 2, các cô giáo ở đây lại dạy bù. 

Do không có phòng, nên việc học bù rất khó khăn. Nhưng bằng nhiệt huyết yêu nghề và vì mầm non tương lai ở miền núi Cao Sơn, các cô giáo không quản ngại gian khổ khắc phục mọi khó khăn để các em được học cái chữ.

“Lớp học không có, chúng tôi ở đây phải dạy bù cho các em ở mọi lúc, mọi nơi. Nhiều khi phải mượn nhà dân để dạy. Đến nay đã tháng 4 rồi, thời tiết ấm dần rồi mà trẻ em nơi đây vẫn phải đi ủng đến trường, nhìn mà thương lắm” - cô Lương Thị Thủy - giáo viên dạy trẻ 5 tuổi tại điểm Trường Mầm non thôn Son chia sẻ.

Những hôm mưa to, điện không có, lớp học không có chỗ nào khô, các cô giáo phải dẫn từng em một đến nhà dân gần nhất xin trú nhờ.

Chia tay Cao Sơn chúng tôi nhớ mãi tâm sự của cô giáo Ngân Thị Hường: “Không biết khi nào các em nhỏ ở Cao Sơn mới được tiếp sức để được học tập trong điều kiện tốt hơn?”.

Do không có phòng, nên việc học bù rất khó khăn. Nhưng bằng nhiệt huyết yêu nghề và vì mầm non tương lai ở miền núi Cao Sơn, các cô giáo không quản ngại gian khổ khắc phục mọi khó khăn để các em được học cái chữ.

MỚI - NÓNG