Gác việc dạy, học vùng rốn lũ

Gác việc dạy, học vùng rốn lũ
TP - Ngày truyền thống nhà giáo, thay vì những bông hoa, những lời chúc mừng, thầy cô vùng rốn lũ Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), nơi đỉnh lũ lịch sử băng qua, lại mơ ước cháy lòng là sớm trở lại đứng lớp giảng bài…

> Khắc phục lũ chồng lũ thế nào?

Ngày nhà giáo ngập bùn

Quần áo, sách vở, giáo án bị nước lũ nhấn chìm và cuốn trôi gần như toàn bộ. Ở trường, bùn đầy ắp từ trong phòng cho đến ngoài sân, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, bàn ghế bị ướt, hư hỏng nghiêm trọng. Đó là tình cảnh thầy trò vùng lũ Quảng Ngãi đang phải đối mặt…

Trường THCS Hành Tín Tây, bùn đất ngập sâu hơn 30cm, bàn ghế ngã đổ nằm lăn lóc. Thầy Nguyễn Văn Hùng, Phó hiệu trưởng thở dài, toàn bộ hồ sơ, thiết bị chìm trong bùn, hư hết, giờ không biết sẽ dạy ra sao. Cùng đồng nghiệp vắt bùn tìm sách và giáo án, cô giáo Lê Thị Mận, không cầm được nước mắt: Còn gì nữa đâu mà dạy với học. Thầy Nguyễn Hiền, Hiệu trưởng trường tiểu học Hành Tín Đông, trăn trở: Tình hình này thì trong vài ngày tới cũng khó dạy trở lại được.

Cảnh tượng ở trường THCS Hành Tín Đông bi đát không kém. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Khương lội qua lội lại giữa sân bùn, sốt ruột: Tê liệt mấy ngày nay rồi, không biết bao giờ mới trở lại. Trên bức tường một phòng học, dấu nước ngập quá bảng vẫn hằn nguyên. Bàn ghế gãy đổ, hư hại hơn 160 bộ, số còn lại trôi, bẩn thỉu, thiết bị giảng dạy hư gần như toàn bộ, tường rào gãy đổ…

Tại trường tiểu học Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa), thầy cô giáo thẫn thờ trước cảnh hoang tàn mà lũ để lại. Thầy Nguyễn Duy Thiện - Phó hiệu trưởng, nhẹ tay lật phơi đống hồ sơ với vẻ xót xa.

Cô trò cùng lam lũ

Lục lọi mãi trong lớp bùn non nhớp nháp, em Nguyễn Thị Thu Hoài, lớp 12 trường THPT Nghĩa Hành 2, bật khóc. Năm nay cuối cấp rồi và chuẩn bị thi học kỳ 1, nhưng không còn một cuốn sách vở nào. Nhà nghèo, nay gia sản sau lũ không còn gì, việc mua sắm lại đồ dùng đối với em là điều không dễ.

Còn cô bé Võ Thị Thùy Linh, lớp 7B, trường THCS Hành Tín Tây, hai ngày qua cùng người chị họ lội bùn ra hàng rào tìm lại sách vở bị cuốn trôi còn mắc lại mang về nhà người hàng xóm nhóm lửa để sấy. Cha mẹ Linh chia tay khi em mới học xong lớp 3, mẹ đi làm ăn xa, Linh ở với bà ngoại già.

Thắt lòng nhìn cảnh em Phạm Thị Thủy (trường THCS Hành Tín Tây) lõm bõm trên đường làng, ngập chân trong bùn, ôm chồng vở ướt nhem. “Em mất hết sách vở, mất những bài kiểm tra điểm 10, điểm 9 rồi. May còn lại chừng này”.

Trước đó, cả lớp 7B bàn nhau ngày 20/11 sẽ tặng cô chủ nhiệm một bó hoa thật to và một bộ ấm chén. Giấc mơ ấy không còn nữa. “Toàn bộ học sinh của trường đều có nhà bị ngập. Sách vở đồ dùng học tập, đồ đạc trong nhà cũng không còn nên việc trở lại lớp gặp rất nhiều khó khăn”, thầy Thiện xót xa.

Cô giáo Võ Thị Thanh Tuyền, trường tiểu học Nghĩa Mỹ - người vừa thoát khỏi cái chết trong cơn lũ, kể lại trong nỗi kinh hoàng... Lũ rút, vợ chồng cô Tuyền về nhà trong cảnh nhà cửa tan hoang, bùn ngập ống chân, thóc gạo chẳng còn gì. Dù vậy, sáng 18/11, cô Tuyền vẫn đến trường dọn vệ sinh. Cô Tuyền ngớ người khi nghe nhắc đến ngày Nhà giáo Việt Nam, rồi cười, pha chút cay đắng: Không nghĩ, không nhớ đến anh ơi!

Tại rốn lũ huyện Sơn Tịnh, sáng 18/11, các em ở điểm trường tiểu học thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An trở lại lớp, nhưng nhiều em không mang theo sách vở, bút vì đã bị ướt và lũ cuốn trôi.

Thầy Phạm Lại - giáo viên điểm trường tiểu học Tịnh An (thôn Ân Phú), lo lắng: “Bùn đất vô kể, từ hôm qua đến nay, thầy cô, phụ huynh phải xắn tay dọn giúp. Học sinh hầu như không còn sách vở. Đến sáng 18/11 còn hơn 50 em học sinh chưa đi học”.

Trường tiểu học Tịnh Long bùn vẫn còn ngập tràn, việc học hành phải gác lại. Thầy Phạm Dung, lo lắng: Với lượng bùn đất này, việc dạy và học những ngày đến chắc chắn nhiều khó khăn, vì cả thầy cô, trò và nhà trường đều thiệt hại nặng trong trận lũ này.

Những người lính Sư đoàn 315 (Quân khu V) và phụ huynh cùng thầy cô giáo những ngày này đang hối hả lau rửa phòng học, bàn ghế để học sinh kịp trở lại lớp.

Từ sáng sớm, Trung tá Nguyễn Duy Dung – Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 887 (BCH quân sự tỉnh Quảng Ngãi) dẫn đầu 150 chiến sĩ căng sức dọn dẹp bùn đất tại 3 điểm trường, lắc đầu: “Quá khủng khiếp, đâu đâu cũng ngập bùn. Nếu thời tiết thuận lợi, mất ít nhất 3 ngày để dọn một lối đi nhỏ vào sân trường”. Sát cánh là lực lượng ĐVTN tỉnh Đoàn Quảng Ngãi, cũng căng sức tham gia cào bùn giúp thầy trò sớm được trở lại trường.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tại vùng lũ Bình Định

Ngày 19/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã về thăm, kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Bình Định. Phó Thủ tướng đã đến thăm hỏi và tặng quà một số gia đình có nhà bị sập hoàn toàn tại thôn Tiên Hòa, xã Nhơn Hưng

(An Nhơn) và thăm hỏi gia đình có nạn nhân chết do lũ cuốn trôi; kiểm tra một số công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng…

Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của em Võ Thị Thùy Linh (lớp 7B trường THCS Hành Tín Tây), PV báo Tiền Phong đã trao cho em món quà 500 ngàn đồng. Cô bé xúc động hứa sẽ dùng số tiền này, một phần đưa mẹ mua thực phẩm, một phần để mua lại sách vở để tiếp tục đến trường.

Cũng ngày hôm qua, báo Tiền Phong tại miền Trung phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Định đến vùng ngập lũ nặng nhất Cát Chánh trao 11 phần quà (500 nghìn-1 triệu đồng/suất và quà) đến tận tay bà con nhân dân và gia đình chính sách neo đơn tại vùng bị cô lập Cát Chánh (Phù Cát).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.