Xóa mù chữ ở thôn nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại một thôn nghèo ở huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) có một lớp dành cho những người lần đầu tiên học chữ. Không chỉ người trẻ, nhiều người lớn tuổi cũng chăm chỉ đến đây với ước mơ giản đơn là viết được tên mình.

Tôi đã biết viết tên mình...

Những ngày này, giữa không gian tĩnh lặng của thôn 8, xã Ea Pil, huyện M’Drắk, vang lên tiếng đánh vần ngọng nghịu của các học viên đặc biệt. Đó là lớp học xoá mù chữ của 22 học viên người dân tộc Tày, Nùng, do Đoàn Trường THPT Nguyễn Tất Thành phối hợp với Đoàn thanh niên xã Ea Pil tổ chức. Dù rất bận rộn với công việc đồng áng, nhưng tối đến, người dân thôn 8 lại có mặt đầy đủ tại phòng học.

Xóa mù chữ ở thôn nghèo ảnh 1

Các ĐVTN xã Ea Pil, huyện M’Drắk (Đắk Lắk) là lực lượng nòng cốt hỗ trợ các học viên tại lớp học xóa mù

Đã thành thông lệ, sau bữa tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần, chị Triệu Thị Cao (50 tuổi, ở thôn 8) lại tranh thủ sắp xếp việc gia đình để đến lớp. Dù ở xa lớp học, nhưng hôm nào chị Cao cũng là người có mặt sớm nhất, nỗ lực tập luyện từng nét chữ.

Chị Cao cho hay, hàng ngày chị phải lên nương rẫy lao động rất vất vả. Khi biết có lớp dạy xóa mù và phổ biến kiến thức, chị liền xin đi học. “Tôi luôn cố gắng đến lớp sớm nhất. Học được chữ nào sẽ cố gắng nhớ chữ đó. Giờ đây tôi đã biết viết tên mình, không cần nhờ người khác như trước”, chị Cao phấn khởi nói.

Cũng như chị Cao, anh Triệu Văn Đào (cùng thôn) bàn tay thô ráp vốn quen với con dao, cái cuốc, nay cầm chiếc bút nắn nót từng con chữ mà cứ toát mồ hôi. Anh Đào học với mong muốn viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông, để biết nhiều hơn, học hỏi thêm cách làm ăn kinh tế, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. “Tôi đều đặn đến lớp học chữ, không bỏ buổi nào. Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học. Nay nhờ lớp học này, tôi đã biết đọc, biết viết, thuộc bảng chữ cái và làm những phép tính đơn giản rồi”, anh nói.

Thay đổi nhận thức

Thầy Vũ Ngọc Ánh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Tất Thành là người thường xuyên tham gia dạy học ở lớp xóa mù này. Thầy Ánh cho biết, lớp học người trẻ nhất 32 tuổi, lớn nhất 56 tuổi, cả lớp có 22 học viên. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có điểm chung là khát khao biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản lúc mua bán nông sản.

“Chứng kiến các học viên đi học đông đủ, ở trên lớp miệt mài viết chữ, học bài, chúng tôi như được khích lệ thêm. Cho nên dù có đi lại khó khăn, vất vả, xóa mù cho đối tượng khả năng tiếp thu hạn chế, chúng tôi thấy rất vui khi dạy con chữ cho họ. Mong họ có một tương lai tốt đẹp hơn”, thầy Ánh chia sẻ.

Cùng tham gia dạy xóa mù chữ, thầy Trương Xuân Tuấn, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng cho hay, trong cùng một lớp học có người chưa bao giờ biết đến mặt chữ, có người đã từng học qua nhưng tái mù, vì vậy, người dạy phải linh hoạt, không có giáo án chung nào tất cả các đối tượng trong lớp.

“Để duy trì lớp học, chúng tôi phối hợp với Ban tự quản thôn, huy động thêm sách vở, dụng cụ học tập để hỗ trợ học viên có thêm điều kiện học tập”, thầy Tuấn nói.

Ông Lý Bình Dương, Bí thư Chi bộ thôn 8 cho biết, thôn có gần 100% là người dân tộc đến từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống. Đa phần trình độ dân trí thấp, nhiều người còn chưa biết chữ. Lớp học ra đời rất được người dân ủng hộ, hưởng ứng.

“Lớp xóa mù chữ có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nơi đây, không chỉ nâng cao dân trí cho người lớn tuổi và người trẻ, mà còn thay đổi nhận thức về chuyện đầu tư học hành cho con em họ”, ông Dương nói.

Ngày 24/10, Đoàn thanh niên xã Ea Pil phối hợp cùng Đoàn Trường THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức Lễ tổng kết lớp học “Xóa mù chữ” đợt 1 năm 2022. Sau hơn 2 tháng học tập, các học viên cơ bản đã biết đọc, biết viết. Đoàn xã Ea Pil sẽ phối hợp cùng Trung tâm Học tập cộng đồng xã và các đơn vị trường học trên địa bàn tiếp tục duy trì lớp học cho đến khi các học viên đạt được những thành tích tốt hơn.

MỚI - NÓNG