Nhiều mô hình sáng tạo trong chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiệm kỳ qua (2017 – 2022), Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố trên cả nước đã sáng tạo triển khai hàng loạt mô hình ý nghĩa, hiệu quả nhằm chăm sóc, giáo dục toàn diện cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI về công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhiệm kỳ 2017 - 2022 do Hội đồng Đội tổ chức ngày 29/10, đại diện Hội đồng Đội các tỉnh, thành trên cả nước chia sẻ nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Ngăn đê dạy bơi cho thiếu nhi

Anh Phạm Xuân Khánh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Quảng Trị chia sẻ, Quảng Trị đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn, dạy bơi, cứu đuối cho trẻ em toàn tỉnh. Nhiều mô hình dạy bơi miễn phí đã được các cấp bộ Đoàn - Đội sáng tạo triển khai, như: Ngăn đê dạy bơi; Ngăn kênh dạy bơi; Bể bơi di động...

Nhiều mô hình sáng tạo trong chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng ảnh 1
Tại nhiều địa phương, Đoàn thanh niên tổ chức các lớp tập huấn, dạy bơi miễn phí cho trẻ em.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 659 lớp dạy bơi miễn phí, trong đó có 3 lớp dạy bơi cho trẻ em khuyết tật. Qua đó, giúp hơn 25.000 thiếu nhi toàn tỉnh nắm vững được những kiến thức cơ bản về kỹ năng bơi lội và cứu đuối. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn, Đội trong toàn tỉnh đã vận động nguồn kinh phí xây dựng hơn 2.000 biển cảnh báo phòng chống đuối nước cho trẻ em tại các khu vực nước sâu, nguy hiểm.

Anh Khánh cho biết, để đạt được những kết quả ấn tượng đó, tổ chức Đoàn, Hội các cấp ở Quảng Trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức, từ trẻ em đến phụ huynh, diễn đàn đối thoại cấp ủy chính quyền… Nhờ đó, công tác phòng tránh tai nạn, đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu.

Anh Khánh đề xuất tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân, huy động xã hội hóa về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

“Trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, các cấp, ngành liên quan cần có chủ trương, đề án cụ thể, chi tiết việc xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng bể bơi là giải pháp tối ưu”, anh Khánh nói.

Đặc biệt, theo anh Khánh, các cơ sở Đoàn, Đội cần tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng bể bơi tại các trường học để giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước trong trường học, nhất là đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ tai nạn đuối nước cao.

Xây nhà “Khăn quàng đỏ”, ngôi nhà “Kế hoạch nhỏ” cho thiếu nhi

Chị Trần Thị Diễm Trinh, Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương cho biết, công tác chăm sóc và giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào, đặc biệt là trong tình hình dịch COVID - 19, công tác này lại càng được triển khai một cách thiết thực hơn bao giờ hết.

Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 236 ngôi nhà “Kế hoạch nhỏ” cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 50 ngôi nhà “Khăn Quàng đỏ” cho thiếu nhi không có nhà ở; xây dựng mới và sửa chữa gần 200 khu, điểm vui chơi thiếu nhi, trọng tâm là các khu vui chơi cho con em thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ, các khu, cụm công nghiệp, thiếu nhi tại vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, trao tặng gần 100.000 phần quà, suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,… Tổng trị giá gần các công trình, phần việc gần 20 tỷ đồng.

Nhiều mô hình chăm sóc, đồng hành cùng thiếu nhi đã được Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương triển khai hiệu quả, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, như: “Nghìn giỏ quà san sẻ yêu thương cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19”; “Lồng đèn trao tay - Thắp sáng ước mơ”, “Chiếc cặp ước mơ”; “Trường mầm non Ngôi sao nhỏ - địa chỉ tin cậy dành cho con em thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn”;...

Chị Diễm Trinh cho rằng, để làm tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn cần triển khai, nhân rộng mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động, những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong nhà trường, gia đình và xã hội của các tỉnh, thành phố trong việc phát huy tinh thần tương thân tương ái.

“Cần thiết xây dựng các chương trình đồng hành, hỗ trợ cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn thuộc trường hợp đặc biệt như con em người dân tộc thiểu số, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật”, chị Trinh nói.

Bên cạnh đó, theo chị Trinh, cần đầu tư xây dựng thêm nhiều cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa để các em thiếu niên, nhi đồng được vui chơi, giải trí, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn.

“Cụ thể là các cấp bộ Đoàn, Đội cần mạnh dạn tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo, triển khai thực hiện và vận động xã hội để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa Nhà Thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện; điểm vui chơi cho thiếu nhi trên địa bàn dân cư; các thiết chế vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao, các chế độ, chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,… Chúng ta cần xem đó là một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển nền giáo dục, nâng cao năng lực, thể trạng, tầm vóc của con người Việt Nam trong thời đại mới”, chị Trinh nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.