Một lát sau Thiên Lôi quay lại: Bẩm tâu Ngọc Hoàng, kẻ đánh trống là thảo dân dưới hạ giới!
Ngọc Hoàng ngạc nhiên: Tiện dân chốn trần làm sao nó lên được đây?
Thiên Lôi: Dạ bẩm, thần cũng ngạc nhiên hỏi đúng câu đó, thì kẻ tiện dân kia bảo rằng, bấy nay có câu “bắc thang lên hỏi ông Trời” thì giờ các anh Hai Lúa quyết tâm sáng chế và thành công bắc được thang lên đến tận trời…
Ngọc Hoàng cả kinh và không giấu nổi vẻ thán phục: Khen thay! Khen thay! Mau đưa ta đi gặp kẻ kỳ tài đó xem hắn lên hỏi Trời điều chi.
Trước mặt Ngọc Hoàng là một nông dân lấm lem bùn đất, da cháy nắng, tay chân chai sần, thật thà chất phác. Ngọc Hoàng hỏi: Nhà ngươi đã nhọc công lên đây chắc phải hỏi ta điều hệ trọng hay có điều ước chi muốn khẩn cầu?
Người nông dân cung kính: Khởi bẩm bệ hạ! Muôn đời nay, thần dân chốn trần lầm lũi làm ăn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bệ hạ rủ ơn mưa móc cho trời yên biển lặng, mùa màng bội thu là thần dân chúng con cám ơn lắm lắm…
Ngọc Hoàng: Thế vụ mùa này ta đỏng đảnh, mưa bão, nắng gió bất thường làm cho mùa màng thất bát ư?
Người nông dân đáp: Dạ không! Mưa thuận gió hòa nên mùa màng càng bội thu hơn ạ!
Ngọc Hoàng: Người rảnh chuyện quá ha! Mùa màng bội thu sao không mau mau về trần mà lo làm ăn sao còn lên đây làm chi?
Người nông dân từ tốn đáp: Khởi bẩm! Tiện dân thay mặt chúng dân lên Trời thỉnh cầu làm sao cho chúng dân mất mùa…
Ngọc Hoàng cả giận: Người bị làm sao vậy?
Người nông dân nhẫn nại trình bày: Bẩm Ngọc Hoàng! Bấy nay cứ điệp khúc được mùa rớt giá, chúng dân cầm cự mãi rồi. Mùa lại được mùa lỗ cứ chồng lỗ. Sản vật ê hề ra đó mà giá rẻ hơn cho. Thế nên, xót của đành thu hoạch nên thêm bao khoản chi phí, lỗ chồng thêm lỗ…
Vỡ chuyện, Ngọc Hoàng trầm ngâm ôm người nông dân thổn thức…