Thiếu máu để truyền là biết liền. Những đứa trẻ bị bạch cầu da xanh rớt, nằm bẹp giường, thay vì tung tăng như mọi khi.
Bình thường, mỗi tuần, các em được truyền máu 2-3 lần. Cận tết, không đủ máu, còn được một lần. Có nhà hai chị em ruột cùng bị ung thư máu, chị nhường em.
Máu là một trong bốn chỉ số quan trọng để xác định trình độ của một hệ thống điều trị bao gồm thuốc, chẩn đoán, phẫu thuật, và máu. Vậy mà, không cứ ở Việt Nam (VN), thiếu máu trong điều trị là phổ biến. Con người chưa đủ trình độ để kéo dài thời gian trữ máu vượt quá 42 tiếng.
Có nghĩa là, chủ yếu vẫn phải dựa vào các ngân hàng máu sống, phụ thuộc số người liên tục thay phiên nhau cho máu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, để hệ thống điều trị hoạt động ổn định, mỗi nước cần một lực lượng cho máu chiếm 2-5% dân số. Ở Hàn Quốc, số người cho máu thường xuyên là 5% dân số.
VN ta nằm ở vị trí nào trong giới hạn khuyến cáo an toàn của WHO? Chúng ta ở xa, rất xa phần chặn dưới của giới hạn ấy. Với số máu cao nhất ta thu được 700.000 đơn vị máu năm 2011, ta thấy số người cho máu cũng chỉ chiếm 0,87% dân số, đáp ứng chưa đến nửa nhu cầu.
Lấy đâu để bù cho số thiếu? Một số may mắn được thay bằng các dịch truyền như dịch cao phân tử, huyết tương. Một số khác đành chấp nhận số phận, không ít tử vong.
Ngày 5-1-2012, chia vui với anh Nguyễn Duy Hải cắt được khối u gần tạ. Mấy ai biết, để cứu anh Hải, các bác sỹ phải truyền cho anh tới bảy lít máu, gấp 28 lần lượng máu một người có thể hiến một lần.
Tháng 9-2011, Bệnh viện Việt Đức cứu bé Trịnh Ngọc Bích, nạn nhân vụ cướp tiệm vàng ở tỉnh Bắc Giang. Để thực hiện các ca phẫu thuật sinh tử này, cần những lượng máu khổng lồ không kém.
Không ai dám khẳng định mình hoặc người thân không một lần phải đến bệnh viện và không cần truyền máu. Đấy là chưa kể nghĩa cử “thương người như thể thương thân” mà ông bà ta thường dạy.
Hiến máu đúng quy cách không hề hấn gì. Khoảng 3-4 tuần sau khi hiến máu, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như thường. Có thể cho máu ba tháng một lần.
Cho máu thậm chí còn làm cơ thể khỏe mạnh hơn. Người hiến máu còn được hưởng một số quyền lợi như được truyền miễn phí lượng máu mình đã cho nếu không may phải truyền máu.
Đây là lần thứ tư, cứ vào dịp khó khăn này, thông qua sự kiện Chủ Nhật Đỏ hôm nay, Tiền Phong lại kiên trì đồng hành với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để khơi dậy và hiện thực hóa hơn nữa truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Các bệnh viện đang thiếu máu! Xin đừng thờ ơ!