Công trình chống ùn tắc - "tắc" đến bao giờ?

Xin dự án nghìn tỷ rồi để... chết yểu

Đường vành đai giao với Lê Đức Thọ thường bị tắc cứng, trong khi dự án cầu cạn nối tuyến này với Giải Phóng (ảnh nhỏ) đang bị treo lâu nay. Ảnh: Anh Trọng.
Đường vành đai giao với Lê Đức Thọ thường bị tắc cứng, trong khi dự án cầu cạn nối tuyến này với Giải Phóng (ảnh nhỏ) đang bị treo lâu nay. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Trong khi người dân Hà Nội đang phải vật lộn với cảnh ùn tắc như nêm trên đường hàng ngày thì nhiều công trình giảm ùn tắc lại “đắp chiếu” hoặc thi công mãi không xong. Ngoài giải pháp xây cầu vượt nhẹ thực hiện từ nhiệm kỳ trước, gần 10 năm qua, chưa bao giờ người dân thấy việc chống ùn tắc tại Hà Nội lại bế tắc về giải pháp, thiếu đột phá và việc hoàn thiện hạ tầng chậm chạp như hiện nay.

Để giảm ùn tắc cho giao thông, mấy năm vừa qua thành phố Hà Nội đã chủ động lên kế hoạch triển khai hoặc xin chủ trương để Bộ GTVT “nhường” lại cho nhiều dự án có tính chất cấp bách. Tuy nhiên đến nay, có nhiều dự án đã qua mốc thời gian thực hiện nhưng vẫn nằm im trên giấy.

Công trình cấp bách nhưng... “nằm im”       

Tuyến đường vành đai 3 đi dưới thấp đoạn qua hồ Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) không được Bộ GTVT làm cầu cạn, do vậy khi phương tiện khi đi đến đây đã phải rẽ vào các tuyến đường nội đô để ra nút Pháp Vân. Điều này gây ùn tắc nghiêm trọng cho các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng. Để giải quyết tình trạng này, tháng 9/2017, UBND thành phố Hà Nội đã lên phương án xây dựng hai cầu cạn vượt hồ Linh Đàm, nối trực tiếp đường vành đai 3 dưới thấp với nút giao Pháp Vân. Cùng với đó tại đây cũng xây dựng 2 nhánh lên xuống kết nối đường vành đai 3 trên cao với khu Linh Đàm. Dự án có kế hoạch thực hiện từ năm 2017 đến giữa năm 2018 với mức đầu tư hơn 480 tỷ đồng. Công trình được xem như một giải pháp cởi nút thắt kịp thời cho ùn tắc tại khu vực Linh Đàm và được dư luận nhân dân tại đây đánh giá cao, mong đợi. Tuy nhiên sau gần một năm đưa ra kế hoạch trên, đến nay đã tháng 5/2018, người dân sống tại đây vẫn chưa thấy công trình trên được triển khai.

Để giảm ùn tắc cho nút giao thông lớn nhất Thủ đô, năm 2012 UBND thành phố Hà Nội cũng đã lên kế hoạch xây dựng cầu vượt tại ngã 7 Ô Chợ Dừa (Q.Đống Đa). Tuy nhiên, khi phương án trên được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, cầu vượt sẽ đi chồng lên di tích lịch sử Đàn Xã Tắc. Sau nhiều cuộc hội thảo, tranh luận được tổ chức, cuối cùng cầu vượt nút Ô Chợ Dừa theo hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu được lên phương án đi dịch tim cầu về một trong hai hướng Nam hoặc Bắc, tránh Đàn Xã Tắc. Phương án này cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thuận. Tuy nhiên từ đó đến nay, đã 6 năm trôi qua, dự án cầu vượt tại đây vẫn chưa thấy. Thông tin về việc này, đại diện UBND quận Đống Đa cho rằng, mặt bằng phục vụ dự án hiện được quận phối hợp giải quyết và không còn vướng mắc gì từ năm 2013, tuy nhiên từ đó đến nay, quận không thấy thành phố có thông tin hay chỉ đạo gì về dự án này.

Trên địa bàn Thủ đô, còn có hàng loạt dự án thuộc nhóm cấp bách được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng và giảm ùn tắc cho giao thông, tuy nhiên do Bộ GTVT chưa bố trí vốn để thực hiện nên giữa năm 2017, UBND có văn bản đề xuất tiếp nhận về thực hiện. Các dự án này bao gồm: hầm chui Lê Văn Lương, cầu Mễ Sở (Vành đai 4 vượt sông Hồng), tuyến nối đường Phan Trọng Tuệ với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ... Sau khi nhận được đề xuất của thành phố Hà Nội, Bộ GTVT cũng có văn bản đồng ý nội dung trên. Vậy nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, mặc dù hầu hết các dự án trên đã có thiết kế kỹ thuật, lộ trình thi công, dự toán tổng mức đầu tư… nhưng sau gần 1 năm được chuyển giao về thành phố Hà Nội, các dự án này cũng nằm bất động. Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (chủ đầu tư) dự án đường vành đai 3 cho biết, tuy chủ trương bàn giao hầm chui Lê Văn Lương đã có nhưng Ban chưa thấy các đơn vị có trách nhiệm ở thành phố Hà Nội liên hệ để bàn giao hồ sơ kỹ thuật?

Xin dự án nghìn tỷ rồi để... chết yểu ảnh 1 Dự án vành đai 2 triển khai chậm, ngoài dự án chồng dự án, tuyến đường còn thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: Như Ý.

Tiếp tục đề xuất nhiều “siêu” dự án

Trong khi nhiều dự án giao thông có tính cấp bách chưa triển khai được, vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan tiếp tục đề xuất cho triển khai trên 20 dự án giao thông khác. Theo đó, với mục tiêu chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, UBND thành phố đề xuất cho triển khai ngay 5 dự án cầu vượt sông và khép kín đường vành đai, gồm: hầm chui Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long, xây dựng, hoàn thiện đường vành đai 2,5 và 3,5. 12 dự án giao thông đã được lập kế hoạch và có dự kiến mức đầu tư cụ thể, trong đó có các dự án: đường vành đai 2,5 (đoạn Trần Duy Hưng - Dịch Vọng); vành đai 3,5; vành đai 4; cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng… Tổng mức đầu tư cho 12 dự án này trên 130.000 tỷ đồng.

Lý giải về việc phải đầu tư các dự án này, đại diện lãnh đạo UBND Hà Nội cho rằng: “Qua quá trình rà soát, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng giải quyết ùn tắc, bức xúc dân sinh, cần khẩn trương được đầu tư, triển khai”. Để thực hiện các dự án trên, lãnh đạo UBND Hà Nội cũng đề xuất cho được áp dụng cơ chế đặc thù.

Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, hầu hết các dự án giao thông Hà Nội, kể cả các dự án đang triển khai nhưng bị chậm vừa qua đều được UBND thành phố Hà Nội đưa vào diện các dự án cấp bách, cấp thiết để được thực hiện bằng cơ chế đặc thù. “Đặc thù là được đi tắt mọi thủ tục, kể cả sử dụng ngân sách. lẽ ra khi các dự án giao thông được hưởng cơ chế này phải được thi công nhanh, thậm chí vượt tiến độ. Đằng này Hà Nội lại thi công chậm, thậm chí đội vốn. Ngoài gây ảnh hưởng đến giao thông, việc đưa các dự án này vào sử dụng chậm còn làm giảm hiệu quả sử dụng. Thực tế hiện nay đã chứng minh rằng, tuy xin cơ chế đặc thù nhưng UBND thành phố Hà Nội đã không thực hiện đúng chủ trương và chứng minh được năng lực của cả cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị thi công”, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nêu thực tế.

Đánh giá về các điểm ùn tắc trên địa bàn Hà Nội vừa qua, liên ngành Công an – GTVT Hà Nội cho biết, toàn thành phố năm 2017 có 37 điểm ùn tắc, số điểm được giải quyết trong năm là 17, tuy nhiên lại phát sinh 13 điểm mới, chủ yếu do các dự án thi công gây ra. Từ năm 2016 đến đầu năm 2017 liên ngành đã xử lý được 4 điểm.

MỚI - NÓNG