Xét tuyển học bạ, tạm thu sinh viên sư phạm 5 triệu: Đại học Huế có làm trái luật?

Xét tuyển học bạ, tạm thu sinh viên sư phạm 5 triệu: Đại học Huế có làm trái luật?
TPO - Vừa qua, một số thí sinh cho biết ĐH Huế yêu cầu “tạm thu” 5 triệu đồng học phí học kỳ 1 năm học 2020-2021 đối với thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm thông qua xét tuyển học bạ. Thông báo này của ĐH Huế có trái Luật Giáo dục 2019 và có vi phạm nguyên tắc tuyển sinh?

Sư phạm được hỗ trợ học phí sao trường vẫn “tạm” thu học phí?

Trong giấy báo kết quả xét học bạ phát đi ngày 23/7 vừa qua của Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế có thông báo đối với thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm, ĐH Huế yêu cầu tạm thu học phí học kỳ I năm học 2020 – 2021 là 5.000.000đ.

Giấy báo kết quả của ĐH Huế lập tức vấp phải phản ứng của thí sinh và dư luận. Theo các thí sinh dự tuyển vào ngành sư phạm của ĐH Huế, Điều 85, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 quy định rằng: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học”.

Và chỉ khi: “Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo”.

Theo các thí sinh dự tuyển vào ngành sư phạm của ĐH Huế, với quy định trong Luật như vậy, sinh viên ngành sư phạm trước mắt vẫn được hỗ trợ tiền học phí khi nhập học. Trường hợp khi ra trường không công tác trong ngành giáo dục thì mới phải hoàn trả lại số học phí được Nhà nước hỗ trợ này.

Do đó, việc ĐH Huế lại ra thông báo yêu cầu toàn bộ thí sinh trúng tuyển phải đóng học phí, trong đó có cả những thí sinh đăng kí học ngành sư phạm, khiến thí sinh băn khoăn.

Có cầm đèn chạy trước ô tô?

Trong giấy thông báo, ĐH Huế khẳng định sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT năm 2020, nếu thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT (đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2020) hoặc thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước thì giấy báo này được xem như “Giấy báo trúng tuyển”.

Trước đó, vào giữa tháng 6, một số trường ĐH khu vực phía Nam có gửi cho thí sinh giấy báo trúng tuyển sau khi xét học bạ. Theo thông báo trúng tuyển (có điều kiện) của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM gửi cho thí sinh, trường báo thí sinh đủ điều kiện về điểm để xét trúng tuyển và nhận giấy báo nhập học vào các ngành đăng ký sau khi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 20 của Quy chế tuyển sinh 2020 quy định về việc Thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học quy định "Hội đồng tuyển sinh trường gửi giấy thông báo thí sinh trúng tuyển nhập học khi thí sinh đã đáp ứng đủ các điều kiện trúng tuyển theo quy định của Quy chế này và quy định của trường trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học".

Trong các hội nghị, tập huấn về tuyển sinh, Bộ GD&ĐT luôn nhắc các trường không công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT. Các trường sử dụng hình thức xét tuyển thông qua kết quả học tập bậc THPT (học bạ) và kết quả điểm thi THPT không được công bố trúng tuyển trước khi thí sinh tốt nghiệp THPT.

Với phương thức xét kết quả học tập (học bạ) của đối tượng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, các trường có thể thông báo trúng tuyển khi đủ điều kiện tuyển sinh vào vào trường.

Đối với ĐH Huế, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Về phía ĐH Huế, sau khi nhận được phản ánh, đã yêu cầu Hội đồng tuyển sinh gửi lại thông báo cho tất cả những thí sinh dự tuyển vào Trường ĐH Sư phạm của ĐH Huế theo hướng không thu học phí đối với các ngành học này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là với giấy thông báo trên, ĐH Huế có đang “lách” quy định để thông báo trúng tuyển sớm cho thí sinh?

MỚI - NÓNG