Lỗi ở nhiều phía…
Nhận xét về kỳ xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, sự rối loạn trong kỳ thi vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, là sự ngộ nhận của phụ huynh và thí sinh về năng lực thật của các em, điều này xuất phát từ đề thi năm nay. Theo ông Dũng, do phải tích hợp 2 kỳ thi trong 1, đề thi năm nay phải dễ để đảm bảo tỷ lệ đậu tốt nghiệp khiến điểm khá cao, gây ngộ nhận cho thí sinh và gia đình. “Thực chất, những em 18-19 điểm năm nay chỉ tương đương 13-14 điểm năm ngoái nhưng ít ai, kể cả báo chí đề cập vấn đề này làm các em cứ nghĩ 18-19 điểm là có thể vào các trường tốt và tập trung nộp hồ sơ vào các trường này khiến giờ chót phải rút”, ông Dũng nói.
Thứ hai, xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số trường ĐH lớn. Theo ông Dũng, sau khi có điểm sàn, lãnh đạo các trường không phân tích dữ liệu các năm trước để đưa ra điểm nộp hồ sơ phù hợp với trường mình. Nên nhớ là các em thí sinh rất non nớt, khi thấy các trường công bố 15 điểm có thể nộp và các em nghĩ là điểm có thể đậu. Điều này lại gây thêm một sự ngộ nhận thứ hai còn trầm trọng hơn vì có vài trăm ngàn thí sinh khu vực từ 15-20 điểm nộp sai địa chỉ dẫn đến việc rút, nộp ồ ạt, gây khó khăn, tốn kém và mệt mỏi cho thí sinh và phụ huynh …
Thứ ba, lỗi nằm ở Cục khảo thí. Có thể xuất phát từ tình thương thí sinh, Cục khảo thí suy nghĩ đơn giản là khi được chọn nhiều nguyện vọng sẽ tăng cơ hội cho các em. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này tạo ra số lượng lớn thí sinh ảo, gây tâm lý bất an và lo lắng khi mình xếp thứ tự quá lớn nên đổ xô đi rút hồ sơ trước khi xét tuyển, phần mềm chung đã sai thì trong giai đoạn xét tuyển Cục lại quá ôm đồm.
Thứ tư, phản ứng của Cục khảo thí quá chậm khi cho các em đăng ký rút hồ sơ ở Sở vào tuần cuối khiến các em phải tốn công sức và tiền bạc để đến rút hồ sơ tại trường mình nộp.
Thứ năm, là việc ứng dụng công nghệ thông tin nửa vời. Theo ông Dũng, với trình độ công nghệ hiện nay, hoàn toàn cho phép thí sinh ngồi tại nhà thay đổi nguyện vọng ưu tiên hoặc thay đổi trường đăng ký mà không phải đi đâu cả nhưng Cục khảo thí đã không đi theo hướng này mà cứ tập trung vào quản lý điểm số.
Cần có những thay đổi
Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, việc tổ chức thi theo cụm có sự tham gia của các trường ĐH, CĐ trong các khâu coi thi, chấm thi và ra đề để đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc của kỳ thi. Giảm áp lực và tiết kiệm do chỉ tổ chức 1 kỳ thi và kết quả sử dụng cho 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Có kết quả mới đăng ký nguyện vọng cũng là một chính sách tốt…
“Thực chất, những em 18-19 điểm năm nay chỉ tương đương 13-14 điểm năm ngoái nhưng ít ai, kể cả báo chí đề cập vấn đề này làm các em cứ nghĩ 18-19 điểm là có thể vào các trường tốt và tập trung nộp hồ sơ vào các trường này khiến giờ chót phải rút”.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Ngoài ra, theo ông Lý, Bộ chưa có sự chuẩn bị tốt từ cơ sở vật chất. “Ý tưởng đổi mới là một việc nhưng việc đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất như máy tính chủ, phần mềm là rất quan trọng... Nó góp phần quyết định vào việc thành công hay không của kỳ thi. Bộ cần giảm tải, áp lực bằng cách chia sẻ, ví dụ như chia sẻ dữ liệu cũng là chia sẻ khó khăn”, ông Lý nói.
“Việc tuyển sinh đúng ra nên để các trường tự chủ. Bộ ôm đồm, mất nhiều công sức mà việc xét tuyển lại gây nên những phức tạp, khó khăn không đáng có. 4 lần xét tuyển với 16 nguyện vọng là quá nhiều và thời gian xét tuyển quá dài… Bộ nên rút kinh nghiệm để những điều như thế này không xảy ra vào năm tới”.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và
Công nghệ Hà Nội
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành khi tổ chức một kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc khá phức tạp, dễ có sai sót, sự thay đổi quy trình tuyển sinh như lâu nay sang thi trước, xét tuyển sinh sau sẽ tạo những khó khăn, phức tạp nhất định cho các trường ĐH, CĐ. Do đó, việc Bộ vừa thực hiện vừa chỉnh sửa, bổ sung văn bản hướng dẫn nên ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, thực hiện…
Còn ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho rằng, về bản chất, kết quả thi năm nay tốt hơn năm trước, tuy nhiên, thời gian xét tuyển quá dài, gây khó khăn, mệt mỏi cho thí sinh. “Việc xét tuyển mỗi đợt 20 ngày là quá dài, dễ nảy sinh nhiều rắc rối, theo tôi chỉ nên xét tuyển trong 10 ngày là đủ”, ông Sơn nói.
Phải làm theo cách thông minh hơn
Ông Nguyên Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói: “Tôi thấy dư luận nói nhiều về quyền tự chủ của các trường ĐH. Thực chất, đầu mùa thi, Bộ đã kêu gọi các trường gửi phương án tuyển sinh riêng nhưng hơn 400 trường ĐH, CĐ chỉ có khoảng 100 trường chọn tự chủ: tuyển bằng kết quả học tập. Đặc biệt có ĐHQG HN thi riêng. Bách khoa hoàn toàn có khả năng tổ chức thi riêng, nhưng, nếu thi riêng thì kết quả sẽ không được tuyển chung vào các trường trong toàn hệ thống và đó là một sự rủi ro vì không phải thí sinh nào cũng đủ dũng cảm để theo một trường, nếu trượt, các em không được dùng kết quả đó vào trường khác; vậy nên các trường cũng không dám mạo hiểm vì nhỡ không nhiều thí sinh chấp nhận sự rủi ro thì sao?”.
Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho rằng: “Tự chủ tuyển sinh phải có lộ trình, phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu thi các môn cơ bản ở phổ thông thì thi chung là tốt; nếu đánh giá năng lực như ĐHQG thì phải cần 2-3 năm để các trường làm ngân hàng đề thi và chuẩn bị các điều kiện khác. Nhưng, nếu ai cũng tự chủ tổ chức thi cả thì sẽ là quay lại… ngày xưa và chắc chắn thí sinh ảo sẽ nhiều hơn vì thí sinh sẽ chỉ đến… thi thử sức”.
Theo ông Điền, vẫn có thể sử dụng phương án này nhưng phải có biện pháp cải tiến cho kỳ thi nhẹ nhàng hơn, không thay đổi lớn, không làm xáo trộn. Nhìn chung, phải làm theo cách thông minh hơn, phải sửa đổi nhiều bất cập đã bộc lộ qua năm nay. Trước hết là thay đổi cách ra đề thi để không phải mọi thí sinh đều làm được 70% mà cần phải có tính phân loại cao hơn. Ngoài ra, cần lấy trọng số cho điểm học bạ cao hơn. Cũng cần tránh các sai sót trong đề thi và đáp án, tăng cường kỷ luật phòng thi, tăng cường giám sát để đảm bảo chất lượng thí sinh tốt hơn.
Xét tuyển đợt 2: Thí sinh được đăng ký bằng nhiều cách
Bộ GD&ĐT vừa ra công văn chỉ đạo việc tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy trong các đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung. Theo đó, trong các đợt xét tuyển NV bổ sung, sau khi đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào trường, thí sinh không được thay đổi NV và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Thí sinh sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để ĐKXT vào một trường duy nhất; gửi phiếu ĐKXT (theo mẫu 1) bằng một trong các phương thức sau: nộp tại Sở GD&ĐT hoặc trường THPT do Sở GD&ĐT quy định; qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh; nộp trực tiếp tại trường. Khi trúng tuyển, thí sinh mang theo giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học tại trường.
Trong thời gian quy định đối với mỗi đợt ĐKXT, Sở GD&ĐT tổ chức tiếp nhận ĐKXT của thí sinh; chuyển dữ liệu ĐKXT của thí sinh cho các trường ĐH, CĐ. Cuối môi đợt xét tuyên gửi danh sách thí sinh (theo mẫu 2) về Bộ GD&ĐT qua hộp thư ts2015@moet.edu.vn và lưu giữ phiếu ĐKXT của thí sinh.
Các trường ĐH, CĐ thường xuyên cập nhật thông tin ĐKXT và cập nhật danh sách thí sinh vào dữ liệu ĐKXT của trường mình; tổ chức xét tuyển, công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và chuyển giấy báo trúng tuyển cho thí sinh.
Hồ Thu