Giấu gia đình đi chống dịch
Trưa nắng, con đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) xe cộ xếp hàng dài dọc sau những rào chắn sắt. Người dân, tài xế xe tải... xếp hàng trong khu vực lều dã chiến chờ đến lượt khai báo và khám sàng lọc để được vào thành phố Đà Nẵng. Kế bên là 2 dãy bàn được kê ngay ngắn, mấy bạn tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ xanh nhạt, đội mũ chống giọt bắn đang bận rộn hướng dẫn người dân ghi tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt.
“Anh ra kia đứng quạt một chút xem có xuống nhiệt độ không” - Nguyễn Thị Thu Linh (SV năm 4, Y đa khoa, ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng) dặn dò một tài xế sau khi thấy mặt nhiệt kế điện tử chỉ con số 38,5 độ. Nghe vậy, anh tài xế vội bỏ cái mũ đang đội đầu xuống, quạt lấy quạt để. “Mọi người chạy xe đường dài dưới nắng quá lâu nên nhiệt độ có thể cao bất thường. Em hướng dẫn họ ngồi nghỉ một chút cho hạ nhiệt. Nếu đo lại vẫn sốt thì phải báo với Trung tâm Y tế quận”, Linh giải thích.
Ở chốt kiểm soát này, tuy có đến vài tình nguyện viên hỗ trợ nhưng chỉ có Linh và bạn cùng lớp là Văn Thị Nhàn có chuyên môn y tế. Từ chiều 1/8, khi các sinh viên ĐH Kỹ thuật Y - Dược tỏa khắp các “mặt trận” để hỗ trợ ngành y tế, Linh và Nhàn được phân về chốt này để hỗ trợ.
“Trần Đại Nghĩa là đường chính nối Quảng Nam - Đà Nẵng nên dù cách ly xã hội nhưng mật độ người qua lại rất đông. Chúng em chẳng có lúc nào ngơi tay cả. Công việc của chúng em là hỗ trợ người dân khai báo y tế, kiểm tra giấy tờ liên quan đến việc di chuyển giữa 2 địa phương. Mấy chú, mấy anh ngồi ở kia toàn có biểu hiện bệnh cả”, Nhàn chỉ tay về khu vực bãi cỏ nơi có khoảng mươi người đang ngồi chờ.
Linh và Nhàn đều quê Bình Định, dù biết Đà Nẵng sẽ bị phong tỏa vì dịch bệnh nhưng cả 2 không về quê mà chọn ở lại. Khi thấy trường kêu gọi xung phong đi chống dịch, cả hai cùng đăng ký. “Vì học Y nên chúng em biết nếu ở vùng dịch mà về quê sẽ gây nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn như thế nào. Ở lại đây, chúng em có cơ hội được học hỏi từ thực tiễn. Đây không phải là cơ hội mà sinh viên Y khoa nào cũng có thể trải nghiệm”, Linh chia sẻ.
Khi được hỏi gia đình có biết việc mình xung phong đi chống dịch hay không, cả Linh và Nhàn đều lắc đầu. “Nói lại sợ gia đình lo. Mỗi khi ba mẹ gọi cũng chỉ nói là con vẫn ở yên trong phòng trọ để tránh dịch”, Nhàn cười.
Truy vết nguồn lây
Từ chiều 1/8, cả trăm sinh viên ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng tỏa khắp các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trong thành phố truy vết với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm người có nguy cơ. Những con hẻm, xóm nhỏ ở Đà thành đã dần quen thuộc với hình ảnh biệt đội “khủng long xanh” đi gõ cửa từng nhà, ghi ghi chép chép. Tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, từ nhiều ngày qua, tổ ghi chép giám sát cộng đồng với thành viên là các sinh viên ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng ngày đêm miệt mài với công tác nhập liệu. Tất cả dữ liệu của các đội truy vết các trường hợp nghi nhiễm ở tất cả các quận, huyện đều được chuyển về đây để tổng hợp.
Lơ Mu K’Nhi vừa tốt nghiệp khoa Y tế Công cộng (ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng). Khi đang chuẩn bị dọn dẹp đồ đạc để về Lâm Đồng tìm việc thì dịch bệnh bùng phát. K’Nhi không chút đắn đo đăng kí tham gia tình nguyện chống dịch. “Đến giờ, em vẫn giấu bố mẹ vì sợ mọi người lo lắng. Suốt ngày, mẹ em cứ gọi điện dặn dò dịch bệnh phức tạp phải ở nguyên trong phòng trọ. Em cứ dạ dạ để mẹ yên lòng”, K’Nhi chia sẻ.
Theo ThS.BS Nguyễn Thái Nghĩa, Quyền Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Y khoa, Thường trực BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 (ĐH Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng), gần 400 sinh viên của trường đã được phân thành 8 đội hỗ trợ tại các trung tâm Y tế quận, huyện và CDC Đà Nẵng kể từ chiều 1/8. Các em sẽ chịu sự quản lý, phân công trực tiếp của CDC và các trung tâm Y tế, tham gia tất cả các công tác từ hỗ trợ y tế tại các chốt, hỗ trợ khu cách ly, tham gia truy vết cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm tại các trạm y tế... như một nhân viên y tế thực thụ.
“Đặc biệt, chúng tôi tập huấn cho các em bài bản về kiến thức, kỹ năng tự phòng vệ cho bản thân khi đi vào khu vực có nguy cơ cao. Các em được quán triệt bảo vệ an toàn bản thân mình là trên hết. Mình phải tự bảo vệ được cho mình trước thì mới có thể giúp phòng, chống dịch, nếu làm không tốt, chính mình lại trở thành yếu tố nguy cơ cho cộng đồng”, BS Nghĩa cho hay.
“Ngay khi nhà trường và Đoàn Thanh niên phát động đăng ký tình nguyện chống dịch, chúng tôi nhận được hàng trăm lượt đơn đăng ký. Qua quá trình sàng lọc, chúng tôi lựa chọn được gần 400 bạn sinh viên tham gia tập huấn, sẵn sàng hỗ trợ các khâu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID – 19. Các bạn đều được tập huấn kỹ càng, mang nhiệt huyết được cống hiến, góp sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh”. BS. Nguyễn Trung Nghĩa,
Bí thư Đoàn Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng