Xem ottchil Hàn Quốc, chạnh lòng sơn mài Việt

Tác phẩm Khúc nhạc đêm của họa sỹ Jeongseon Ha.
Tác phẩm Khúc nhạc đêm của họa sỹ Jeongseon Ha.
TP - “Để bảo tồn và phát triển tranh sơn mài, Hàn Quốc có hẳn một viện bảo tàng ottchil, có một đội ngũ họa sỹ được trả lương để làm việc tại đây, trong khi các họa sỹ sơn mài của ta tự phát triển, tự quảng bá, nói chung là tự bơi…”, họa sỹ Đỗ Đức Khải, thành viên nhóm Sơn ta Việt Nam chia sẻ với Tiền Phong bên lề hội thảo giao lưu “sơn mài Việt Nam- ottchil Hàn Quốc” ngày 1/12 vừa qua.

Họa sỹ Việt “tự bơi”

Qua trao đổi với các họa sỹ Hàn Quốc tới Việt Nam tham dự cuộc triển lãm giao lưu nói trên, họa sỹ Đỗ Đức Khải cho biết, họ đều đang làm việc tại Bảo tàng ottchil Tong Yeong, nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển tranh sơn mài Hàn Quốc. Họ được trả lương tháng để chuyên tâm nghiên cứu và sáng tác tranh ottchil. Với mức lương này, tuy không nhiều đến mức có thể sắm được nhà lầu, xe hơi, nhưng họ sẽ không phải vướng bận với “cơm áo, gạo tiền” như các họa sỹ Việt.

Dĩ nhiên, không phải họa sỹ nào theo dòng tranh sơn mài ottchil đều được hỗ trợ. Thế nhưng điều này cho thấy, việc bảo tồn và phát huy tranh ottchil đã được chính phủ Hàn Quốc chú trọng, được giao cho  Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đảm trách và cơ quan cấp dưới là Cục di sản thực thi.

Ngoài ra, Hàn Quốc muốn được thế giới biết đến dòng tranh sơn mài truyền thống của họ và gọi nó là ottchil theo tiếng Hàn, thay vì lacquer theo tiếng Anh. Bởi lẽ, ottchil (sơn mài) của Hàn Quốc chủ yếu sử dụng kỹ thuật najeon-chil (kỹ thuật sử dụng vỏ trai, vỏ sò…). Sơn ottchil được khai thác từ cây sơn ott-namu, một loại sơn tự nhiên, thân thiện với môi trường và không gây hại tới con người.

Ông Kim Sungsoo, Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật ottchil Tong Yeong là người tiên phong trong dòng tranh ottchil cũng như nỗ lực đề nghị nhà nước xây bảo tàng ottchil. Ông cũng có mặt tại Việt Nam và giới thiệu những nghiên cứu của mình về nghệ thuật ottchil Hàn Quốc. Theo ông, các khu vực trồng cây ott-namu (nguyên liệu chính để làm sơn ottchil) cũng được chính phủ Hàn Quốc “khoanh vùng” và có những hỗ trợ cần thiết để người dân địa phương tiếp tục phát triển nó.

Còn về phía Việt Nam, họa sỹ Đỗ Đức Khải cho biết: “Chúng tôi cũng cố gắng nhiều thông qua quan hệ riêng của mình để quảng bá sơn mài, tuy nhiên rất khó. Do thiếu sự hỗ trợ của nhà nước, cộng với tư duy trì trệ của chính anh em họa sỹ, hội họa sơn mài của ta cứ bị bó hẹp lại. Chưa kể, việc làm ra một tác phẩm sơn mài kỳ công đến thế nào. Để làm ra một tấm vóc, cũng như hoàn thiện tranh, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đó chính là lý do mà nhiều họa sỹ không mặn mà với tranh sơn mài”.

Đồng quan điểm với họa sỹ Đỗ Đức Khải, họa sỹ Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Những họa sỹ dòng tranh sơn mài như chúng tôi thường phải tự lực cánh sinh, tự quảng bá và nói chung tự hết, chẳng có sự hỗ trợ nào”.

Đã từng được mời sang giao lưu tại Hàn Quốc, họa sỹ Khải cho biết: “Tôi đã sang Hàn Quốc, thấy họ có công thức pha chế nguyên liệu rất cụ thể, chẳng hạn, trộn tỉ lệ sơn bao nhiêu, vóc như thế nào... Tóm lại là họ có chỉ số, định mức khoa học. Còn các họa sỹ sơn mài Việt Nam thường tự mày mò và làm việc theo kinh nghiệm cá nhân. Rất may, việc phối trộn màu sắc không lần nào giống lần nào lại chính là sự biến ảo trong nghệ thuật, tạo nên những bất ngờ thú vị”.

Họa sỹ Đỗ Khải nói thêm: “Cần lắm có thêm nhiều các cuộc giao lưu như thế này. Nhìn Hàn Quốc quảng bá tranh ottchil mà mình thấy chạnh lòng”.

Khi được hỏi: “Nếu được nhà nước đầu tư, theo anh nên bắt đầu từ đâu?”, họa sỹ Đỗ Đức Khải nói: “Cái đấy chẳng bao giờ có đâu. Còn nếu chuyện đó có thật, chúng tôi mong có chính sách, có hành lang pháp lý để dẹp bỏ nạn đạo tranh, tranh dởm. Như vậy, anh em họa sỹ thực thụ mới có đất sống”.

Mơ về nơi xa lắm

Xem tranh ottchil của Hàn Quốc, thấy sáng bừng bởi màu sắc tươi tắn, bóng bẩy của tranh ottchil. Họ có thể làm những bức tranh khổ lớn, như tranh của họa sỹ Jeongseon Ha mô tả rừng cây  (89 x 248cm) với vô vàn những mảnh vỏ trai nhỏ tí xíu. Họa sỹ Đỗ Đức Khải trầm trồ: “Để làm một bức tranh này, chắc hẳn người họa sỹ phải tốn rất nhiều thời gian, rất kỳ công để có thể ghép được ngần ấy mảnh trai nhỏ li ti”.

Tại cuộc giao lưu, các họa sỹ Hàn Quốc cho xem nguyên liệu là những mảnh trai mỏng như tờ giấy, có thể cắt bằng kéo dễ dàng. Họa sỹ Khải so sánh: Giá mà ta có những nguyên liệu như vậy thì công đoạn làm tranh sẽ nhanh hơn rất nhiều”.

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng tham dự triển lãm và nhận xét: “Nghệ thuật sơn mài của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng chủ yếu ứng dụng trong trang trí mỹ nghệ. Ta có thể học Hàn Quốc ở cách xử lý vỏ trai, vỏ trứng. Tuy nhiên, họ còn phải học nhiều để chuyển từ trang trí sang hội họa”.

Xem ottchil Hàn Quốc, chạnh lòng sơn mài Việt ảnh 1

Tác phẩm Cảng cá của họa sỹ Nguyễn Văn Bảng.

Ông cho biết thêm, sơn mài trong hội họa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng nể từ thời mỹ thuật Đông Dương với những họa sỹ nổi danh như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Thọ... Thời ông học tại Đại học Mỹ thuật khoảng thời gian 1955-1959, Trung  Quốc có cử một đoàn sang học sơn mài hội họa của Việt Nam. Và từ đó đến nay, Trung Quốc từ chỗ chỉ có 1 trường giảng dạy sơn mài, nay đã lên tới 30 trường. Giờ tranh sơn mài Trung Quốc rất phát triển. Gần đây, Hàn Quốc đã cử người sang Trung Quốc học về sơn mài hội họa, chứ không phải Việt Nam.

Mặc dù vậy, họa sỹ Trần Khánh Chương nhận định, nói thế không có nghĩa là sơn mài hội họa của Việt Nam thụt lùi, không phát triển. Ông cho biết, thời kỳ 1980 - 1985, tranh sơn mài có phần chìm xuống, nhưng từ năm 2000 trở lại đây,  nó phát triển khá mạnh. Các thế hệ họa sỹ trẻ Việt đang trên con đường tìm tòi và khai phá. Để biết thành công hay không, có vượt được các bậc tiền bối không thì phải cần thời gian mới trả lời được. Ông khẳng định: “Tôi rất hy vọng vào thế hệ họa sỹ trẻ ngày nay”.

Bà Quỳnh Như, chuyên viên Vụ Mỹ thuật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, năm 2002, bà đã từng làm cuộc khảo sát về sơn mài Việt Nam và thật ngạc nhiên là hầu như không mấy ai biết gì về sơn mài. Học sinh cũng chẳng biết Nguyễn Gia Trí là ai... Điều đó cho thấy, ta cần phải tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn về tranh sơn mài, nghệ thuật truyền thống quý hiếm của dân tộc. Bà gợi ý, nên chăng, cần đưa sơn mài giới thiệu vào trong trường học và thậm chí có thể đưa nó vào danh sách di sản phi vật thể cần bảo tồn của Việt Nam. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.