Bí mật tranh sơn mài kim loại

Vợ chồng Campioni trò chuyện với khán giả và khách hàng tại triển lãm “Trăng mùa gặt”. Ảnh: N.M.Hà.
Vợ chồng Campioni trò chuyện với khán giả và khách hàng tại triển lãm “Trăng mùa gặt”. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Tác phẩm sơn mài của vợ chồng nghệ sĩ Đức Campioni trông như thể được thực hiện trên tấm vóc bằng sắt hoặc thép. Đó là ấn tượng ban đầu từ tranh và đồ mỹ nghệ (khung gương, hộp đựng trang sức...) bày tại triển lãm Trăng mùa gặt, Viện Goethe, đến 22/3.

Trăng của Christiane Campioni và Tobias Kuester - Campioni thường được tạo nên từ các mảnh xà cừ, cũng có khi là đồng trên nền đặc trưng kim loại tạo hiệu ứng như thể không gian phủ đầy ánh trăng. Trông bức tranh như thể được thực hiện trên tấm vóc bằng kim loại nhưng thực ra không phải. Vợ chồng Campioni hé lộ, họ sử dụng bột kim loại kết hợp với một chất keo lỏng phủ lên bề mặt vóc sau đó dùng máy để mài, chứ không thể dùng tay như sơn mài truyền thống. Đây là kỹ thuật mấu chốt giúp họ có thể làm sơn mài trong điều kiện khí hậu ôn đới.

Họa sĩ Christiane Campioni (sinh 1976) đến Việt Nam lần đầu nhân kỳ nghỉ sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trước đó cô nghe bố mẹ (từng công tác ở Việt Nam) kể chuyện về đất nước này. Theo học về phục chế tại ĐH Mỹ thuật Dresden, Christiane chọn Việt Nam để thực tập. Cô trải qua nhiều khóa học về sơn mài tại Hà Nội với nhiều thầy cô: Lê Kim Mỹ, Phạm Chính Trung và Lê Huy Văn. Háo hức đem kỹ thuật sơn mài về Đức, Christiane đã phải nhanh chóng dẹp xưởng vì sơn mài không thể khô trong khí hậu ôn đới.

Số phận sắp đặt Christiane gặp Tobias trong kỳ thực tập tại Việt Nam. Khi đó Tobias học kiến trúc và cũng sang Hà Nội thực tập. Sau này anh trở thành chuyên gia nội thất cao cấp. Đầu 2009 khi làm việc tại Uzbekistan, Tobias đã sử dụng kỹ thuật phủ bột kim loại trộn keo lỏng để xử lý bề mặt vách ngăn. Kỹ thuật này khiến Tobias liên tưởng việc làm sơn mài của vợ. Hai người kết hợp và thành phẩm Đông - Tây, gỗ - kim loại kết hợp ra đời được khách hàng châu Âu, tới đây có thể cả Việt Nam, đón nhận.

Họa sĩ Lê Huy Văn nhận xét về học trò: “Dựa trên kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, cô đã xử lý tài tình chất bột kim loại. Chất liệu kim loại như kẽm, đồng, sắt, thép cán... kết hợp với nhau thành các màu sắc đa dạng và phong phú để tạo ra các bố cục hiện đại mới lạ. Cô sử dụng cả kỹ thuật ghép, lồng, cẩn các chất liệu ốc, trai, vỏ trứng, tre nứa, gỗ... tạo sức hấp dẫn của bề mặt tác phẩm”. Kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam sử dụng kim loại ở dạng dát mỏng như vàng lá, đồng lá... nhưng khó có thể phủ kín cả một bề mặt lớn như nhà Campioni. Chưa kể đồng theo năm tháng còn bị gỉ và đổi màu.

Tại Viện Goethe, một khách hàng Việt ngỏ ý đặt hàng và mời vợ chồng họa sĩ đến nhà vườn của ông để làm việc. Vị khách cũng đặt câu hỏi về độ bền của tác phẩm đa chất liệu như vậy, và muốn tác phẩm giữ nguyên vẻ đẹp ban đầu trong khi nhà Campioni khẳng định, tranh bị gỉ tạo cảm giác cổ kính cũng là hiệu ứng họ mong đợi.  

Christiane cho hay cô và chồng sẽ tiếp tục nghiên cứu để kết hợp sơn mài với nhiều kim loại khác. Họ hiện có xưởng tại Hà Nội và đang thử nghiệm với bạch kim. Nếu có người đến xin chia sẻ bí quyết làm sơn mài với bột kim loại? Christiane: “Chúng tôi đã mất nhiều năm để tìm ra kỹ thuật này và là người duy nhất nắm được nó. Chúng tôi chỉ có thể chia sẻ với các bạn một chút về công việc mà thôi”.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.