Sau một tháng điều chuyển xe khách Hà Nội:

Xe trái tuyến biến đường thành bến lậu

Điểm đón khách của nhà xe H&N trên đường Khuất Duy Tiến ngay cạnh chốt CSGT Hà Nội và trụ sở Thanh tra giao thông, nhưng vẫn tồn tại lâu nay. Ảnh: AT
Điểm đón khách của nhà xe H&N trên đường Khuất Duy Tiến ngay cạnh chốt CSGT Hà Nội và trụ sở Thanh tra giao thông, nhưng vẫn tồn tại lâu nay. Ảnh: AT
TP - Sở GTVT Hà Nội vừa đánh giá kết quả sau một tháng thực hiện điều chuyển luồng tuyến xe khách. Hơn 600 lượt xe chuyển bến (trên 90%) đã thực hiện điều chuyển. Còn 7 nhà xe chưa chuyển đến bến mới và 30 xe khách đã làm thủ tục nhưng chưa đưa xe vào hoạt động.

Đại diện 5 bến xe thực hiện điều chuyển vừa qua gồm Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm cho biết, tính đến nay, đại đa số doanh nghiệp (DN) vận tải thuộc diện điều chuyển bến đã hoàn thiện các thủ tục với bến xe. Với các bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình đã đạt 100% kế hoạch điều chuyển. Riêng bến xe Nước Ngầm vẫn còn 5 đơn vị chưa đến làm thủ tục cho xe thuộc diện điều chuyển vào hoạt động ở bến mới, bao gồm: Cty TNHH VTDLTM Hải Hiền, DNTN Huyên Hồng, Cty CPTMDV Thuận Ý Gia Lai, DNTN Tâm Lương; Cty TNHH Dũng Minh…

Các DN này đang có tổng cộng 12 “nốt” xe chạy các tuyến Thanh Hoá, Gia Lai mỗi ngày. Lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cũng thông tin, hiện bến còn có 30 xe DN đã làm thủ tục vào bến nhưng 1 tháng qua không vào bến hoạt động, trong đó có các nhà xe chạy tuyến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Hà Tĩnh… Tại bến xe Yên Nghĩa, lãnh đạo bến này báo cáo, hiện có 2 đơn vị, gồm: Cty TNHH Việt Tân chạy tuyến Kon Tum, Cty TNHH Tuấn Thành chạy tuyến Thanh Hóa chưa về hoạt động. Theo đại diện các bến xe, lý giải cho việc chưa thực hiện kế hoạch trên, đại diện các DN vận tải cho rằng, do các tuyến vận tải đi Kon Tum; huyện Thọ Xuân, Quan Sơn, Quán Lào (Thanh Hóa) có hành trình hoạt động thực tế chưa đồng nhất với hành trình quy hoạch đã được phê duyệt, vì vậy đề xuất Sở GTVT Hà Nội có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Về nội dung này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, kế hoạch điều chuyển là chủ trương của thành phố và Bộ GTVT, do vậy DN vận tải cần được thực hiện nghiêm túc. Với đề xuất của các DN, Sở GTVT Hà Nội đã phối hợp với Sở GTVT địa phương, trong đó có Sở GTVT Kon Tum, Thanh Hóa để đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến. Riêng các tuyến vận tải của tỉnh Ninh Bình tại bến Mỹ Đình chưa thực hiện điều chuyển trong đợt vừa qua, Sở GTVT đề xuất phương án chuyển 50 “nốt” đi hướng QL1A về bến xe Nước Ngầm, 3 “nốt” xe đi hướng đường Hồ Chí Minh về Bến xe Yên Nghĩa.

Đánh giá kết quả điều chuyển vừa qua, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính cả 50 “nốt” tuyến Ninh Bình đã có phương án điều chuyển, đến nay đã thực hiện được trên 600/691 “nốt” xe phải chuyển bến, đạt hơn 90% kế hoạch.

Xem xét cắt “nốt” xe trái tuyến

Đề cập đến các nhà xe còn bỏ bến, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã giao cho thanh tra chủ trì phối hợp với cảnh sát, công an theo dõi, xử lý nghiêm. Với Phòng vận tải, cần rà soát biểu đồ xe chạy, nếu trong 1 tháng qua (kể từ ngày thực hiện điều chuyển 2/1), nhà xe nào không đáp ứng đủ số 70% số lượt xe hoạt động tại bến, lập danh sách cụ thể để Sở GTVT có biện pháp xử lý, trong đó có việc cắt “nốt”.

Là tuyến đường cấm xe khách, hơn nữa còn cấm các nhà xe chạy trái tuyến đến các tỉnh phía nam như Thái Bình, Nghệ An… hoạt động, tuy nhiên thời gian qua tuyến đường Khuất Duy Tiến đoạn từ ngã tư giao với đường Tố Hữu đến nút giao với đường Nguyễn Trãi nhan nhản xe khách chạy các tuyến trên. Trưa ngày 14/2, có mặt trên đường Khuất Duy Tiến, chúng tôi ghi nhận, có nhiều xe khách hoạt động ở đây, trong đó có một số xe được ghi lại hình ảnh như: xe 17B-01519, 17B-01504 chạy tuyến Thái Bình; xe 29B-10167 chạy tuyến Nghệ An… Thậm chí, đoạn trước toà nhà C3 - Tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), còn có hai văn phòng treo biển nhà xe H&N chạy tuyến Nghệ An, nhân viên liên tục nhận hàng, đón khách.

Do lượng khách và hàng nhiều, có lúc nhà xe này đã điều tới 2 xe khách loại trên 40 chỗ đeo biển hiệu “H&N” đứng trên đường đón khách, nhận hàng nhiều giờ đồng hồ. Vị trí nhà xe “H&N” treo biển hiệu hoạt động và bắt khách trên đường sát ngay chốt trực của CSGT Hà Nội và trụ sở Đội Thanh tra giao thông (TTGT) Thanh Xuân (Sở GTVT Hà Nội), nhưng không hiểu sao, vụ việc vẫn không được xử lý.

Trong khi các lực lượng có trách nhiệm như CSGT - TTGT chưa thấy thông tin về việc xử lý các nhà xe chống lệnh điều chuyển, bắt khách trên đường, thì mấy ngày vừa qua Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT đã trực tiếp ghi nhận và phát hiện nhiều nhà xe biến lòng đường thành bến cóc. Cụ thể, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực tế quanh khu vực các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đang có rất nhiều xe khách liên tỉnh dừng đón trả khách, bốc dỡ hàng hóa một cách ngang nhiên, gây mất an ninh trật tự, ATGT.  Theo ông Long, chỉ tính riêng những trường hợp Phòng Quản lý vận tải trực tiếp ghi nhận được trong ít ngày qua đã có tới 9 điểm hình thành bến “cóc” với hàng chục phương tiện vi phạm quy định về kinh doanh vận tải khách. Trong các điểm ông Long thông tin có các vị trí: như trước số 309 Giải Phóng (Thanh Xuân), tại Ngã tư Vọng, số 3 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân)…

Trước thực trạng Phòng Quản lý vận tải báo cáo, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa ký văn bản yêu cầu lực lượng TTGT chủ trì, khẩn trương phối hợp với các lực lượng CSGT, CSTT - Công an thành phố Hà Nội, chính quyền các quận huyện ngăn chặn, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm, báo cáo kết quả lên Giám đốc Sở GTVT trước ngày 15/2.

Đề cập đến các nhà xe còn bỏ bến, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã giao cho thanh tra chủ trì phối hợp với cảnh sát, công an theo dõi, xử lý nghiêm. Với Phòng vận tải, cần rà soát biểu đồ xe chạy, nếu trong 1 tháng qua (kể từ ngày thực hiện điều chuyển 2/1), nhà xe nào không đáp ứng đủ số 70% số lượt xe hoạt động tại bến, lập danh sách cụ thể để Sở GTVT có biện pháp xử lý, trong đó có việc cắt “nốt”.
MỚI - NÓNG