Bến xe hiện đại lao đao

Bến xe Thượng Lý ở Hải Phòng.
Bến xe Thượng Lý ở Hải Phòng.
TP - Sau hơn 1 năm hoạt động, bến xe khách Thượng Lý do Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng xây dựng hầu như rơi vào tình trạng bỏ hoang do chỉ khai thác được 1/10 công suất.

Những văn bản trái chiều

Bến xe khách Thượng Lý, một trong những bến xe hiện đại, kiểu mẫu ở Hải Phòng, mới đi vào hoạt động 1 năm rưỡi nhưng bến hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng. Gần Tết Nguyên đán, thời điểm hoạt động vận tải sôi động nhất, thế nhưng khuôn viên rộng gần 12.000 mét vuông vẫn chỉ lưa thưa 2, 3 xe khách.

Chỉ cho chúng tôi xem tấm biển Công trình Chào mừng Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Hải Phòng vẫn còn bóng loáng trước cổng, ông Lưu Thành Đông, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng (Cty Kim khí Hải Phòng) rưng rưng: Đúng là niềm vui ngắn chẳng tày gang! Theo ông Đông, năm 2011, UBND thành phố Hải Phòng có chủ trương di dời Bến xe (BX) Tam Bạc (cùng ở quận Hồng Bàng) nhằm chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông. Cty Kim khí Hải Phòng đã đề xuất xây dựng bến xe Thượng Lý và được thành phố chấp thuận.

Ngày 13/5/2015, Sở GTVT Hải Phòng có Báo cáo số 48/BC-SGTVT nêu phương án đóng cửa BX Tam Bạc về BX Thượng Lý. Theo đó, các tuyến vận tải từ BX Tam Bạc đi Hà Nội có số lượng phương tiện lớn, tần suất cao (63 phương tiện, 106 chuyến xe/ngày) sẽ được điều chuyển sang hoạt động tại BX Thượng Lý để giảm tình trạng ách tắc giao thông, lộn xộn, giảm mật độ phương tiện vận tải hành khách lưu thông trong khu vực trung tâm.

“Nếu biết chính sách thay đổi liên tục như thế này, chúng tôi đã không đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng BX loại 2 như yêu cầu của thành phố. Giờ đây Cty đang nợ nần chồng chất, công nhân không có việc làm”. 

Ông Lưu Thành Đông, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng (Cty Kim khí Hải Phòng)

Tuy nhiên, sau đó gần 1 tháng, ngày 5/6/2015, Sở GTVT Hải Phòng lại ban hành Văn bản số 955/SGTVT-VT ngược lại với các văn bản trước đó. Theo đó, Sở GTVT cho phép các doanh nghiệp hoạt động tại BX Tam Bạc (tuyến Hải Phòng – Hà Nội) được lựa chọn các BX của Cty TNHH MTV BX Hải Phòng và BX Thượng Lý. Chính vì quyết định “tiền hậu bất nhất” này, các nhà xe lại tiếp tục về các bến xe trong nội thành như: Niệm Nghĩa, Cầu Rào… khiến cho BX Thượng Lý lâm vào cảnh bi đát. Công suất thiết kế BX Thượng Lý là 700 – 800 chuyến/ngày, nay cao nhất cũng chỉ đạt 70 chuyến/ngày (tương đương 1/10 công suất).

“Nếu biết chính sách thay đổi liên tục như thế này, chúng tôi đã không đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng BX loại 2 như yêu cầu của thành phố. Giờ đây Cty đang nợ nần chồng chất, công nhân không có việc làm”, ông Đông than.

Quả bóng trách nhiệm

Sau nhiều đơn thư khiếu nại, ngày 24/6/2015, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4794/VPCP-TTĐT, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ): “UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh; làm rõ đúng, sai, có biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2015”. Chỉ đạo là vậy song đến nay, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ khiến Cty Kim khí Hải Phòng như ngồi trên đống lửa, tiếp tục đội đơn đi kêu cứu khắp nơi.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, chủ trương ban đầu chuyển phần lớn xe khách về BX Thượng Lý vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp nên phải tạm dừng. “Các doanh nghiệp lấy Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp để phản đối, nên Sở GTVT phải cho phép các nhà xe tự tìm bến”, ông Quang lý giải. Nói về văn bản cam kết chuyển bến trước đó, ông Quang nêu quan điểm hoàn toàn trái ngược: Các doanh nghiệp đầu tư BX phải tính đến bài toán kinh tế, nếu không hiệu quả thì không nên đầu tư. Ngoài ra, Sở GTVT cũng không phải là nơi quy hoạch chi tiết các tuyến xe cố định, mà đây là trách nhiệm của Bộ GTVT.

Một nhà xe chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội nhận định: BX Thượng Lý tuy cơ sở vật chất tốt nhưng nằm ở xa trung tâm hơn 2 BX Cầu Rào và Niệm Nghĩa. Do đó các nhà xe vẫn đón khách ở nội đô.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.