Sáng 15/2, tại khu vực nút giao An Phú (quận 2), nam thanh niên chạy xe máy với tốc độ khá nhanh từ đường Nguyễn Thị Định ra đoạn giao với đường cao tốc, tiếp tục phóng thẳng vào cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây thay vì phải rẽ trái để quay lại đại lộ Mai Chí Thọ.
Khi nhân viên quản lý đường cao tốc lao ra thổi còi cảnh báo, anh này chợt khựng lại rồi hối hả quay đầu xe. Rất may không xảy ra va chạm với dòng ôtô từ phía sau đang ào ào đổ vào cao tốc.
Ngay sau đó, một người đàn ông trung niên chạy xe máy với đồ đạc lỉnh kỉnh từ hướng đường Lương Định Của về cao tốc cũng “lỡ đà” chạy vào đường cấm. Thêm một lần nữa nhân viên đường cao tốc phải tuýt còi cảnh báo để ông này quay đầu xe lại. “Nhà tôi ở gần đây thôi. Nhưng vì khu vực này mới quá nên không biết chạy thế nào”, ông này lý giải.
Ghi nhận của phóng viên, do nút giao An Phú mới được đưa vào sử dụng nên rất nhiều người chưa quen với cách phân luồng mới. Khi chạy từ hướng đường Lương Định Của và Nguyễn Thị Định đến đoạn giao với đường cao tốc, nhiều người rất bối rối.
Một nhân viên thuộc Công ty quản lý đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây cho biết dù có biển báo cấm các loại phương tiện vào cao tốc nhưng đơn vị vẫn phải dựng thêm một biển báo đặt sát lòng đường với dòng chữ “Cấm xe máy” để người dân dễ thấy.
“Ngay tại ngã ba cũng đã có biển hướng dẫn quay đầu xe để ra lại đại lộ Mai Chí Thọ nhưng nhiều người không để ý, vẫn chạy vào cao tốc. Thậm chí khi chúng tôi yêu cầu dừng lại họ vẫn cố chạy tiếp. Chỉ trong buổi sáng đã có hàng chục trường hợp như vậy", anh nhân viên cho hay.
Nhiều người cố tình chạy vào cao tốc dù nhân viên quản lý đã thổi còi cảnh báo và chặn lại. Ảnh: H.P.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam nói, tình trạng xe máy chạy vào cao tốc diễn ra rất thường xuyên, nhất là từ ngày thông xe toàn tuyến. Thậm chí, có trường hợp nhân viên quản lý đón đầu chặn barrie nhưng nhiều người vẫn cố tình tông vào, làm hỏng cả thanh chắn.
Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra hôm 8/3, khoảng 22h50, nam sinh lớp 9 chạy xe máy vào cao tốc hướng từ quốc lộ 51 về TP HCM. Sau khi phát hiện cậu bé vượt chốt, nhân viên trực tại quốc lộ 51 đã thông báo về trạm thu phí Long Phước. Đến trạm thu phí, thấy lực lượng tuần tra của đường cao tốc đang lập chốt chặn, nam sinh này lách qua kẽ hở giữa các cục bêtông phân cách để vào phần đường ngược chiều. Sau đó chạy về hướng thành phố nhưng không may tông trực diện vào ôtô đi ngược chiều. Hậu quả là em học sinh bị thương nặng, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, chiếc xe máy bị hư hỏng nặng, còn ôtô cũng bị bẹp dúm đầu.
Chiếc xe máy của nam học sinh lớp 9 bị hư hỏng hoàn toàn sau khi đâm trực diện vào ôtô trên đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây khuya 8/3. Ảnh: H.P.
Theo bà Phương, không kể những người chạy lố vào cao tốc vì lạ đường, nhiều người dù đã được nhân viên hướng dẫn yêu cầu quay lại nhưng vẫn cố tình đi vào. Nhất là đoạn đường từ Dầu Giây về TP HCM vừa đẹp, lại rất ngắn thay vì đi vòng qua quốc lộ 1 nên rất nhiều bất chấp.
Theo bà Phương, không chỉ người Việt mà có rất nhiều người nước ngoài thuê xe máy để đi “du lịch bụi” từ TP HCM về Vũng Tàu cũng thường chạy vào đường cao tốc. “Họ tìm đường bằng google map, trên đó đâu có hướng dẫn cấm xe máy hay không nên cứ theo đó mà chạy vào”, bà Phương cho biết.
Đại diện đơn vị quản lý đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng cho biết thêm với những trường hợp người nước ngoài cố tình, khi nhân viên giữ lại được cũng chỉ có thể yêu cầu họ rời khỏi đường cao tốc rồi hướng dẫn xuống đường dân sinh gần đó, đồng thời cung cấp thêm bản đồ bằng tiếng Anh để họ tiếp tục hành trình.
"Chúng tôi đã kiến nghị Cục Cảnh sát Giao thông tăng cường tuần tra, tăng cường xử lý xe máy vào đường cao tốc; có chế tài phạt nặng hơn đối với các hành vi cố tình vi phạm gây nguy hiểm cho các phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao", bà Phương nói và cho biết mức phạt đối với hành vi lái xe máy vào đường cao tốc chỉ có 150.000-200.000 đồng như hiện nay quá thấp nên chưa đủ tính răn đe.
Liên quan đến hành vi cố tình lái xe máy vào đường cao tốc, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đang soạn thảo đề xuất áp dụng biện pháp tịch thu xe máy cố tình đi vào đường cao tốc và bán đấu giá phương tiện vi phạm để ủng hộ người nghèo.
Tuy nhiên, đề xuất này đã gây ra tranh cãi. Nhiều nhà làm luật cho rằng, việc tịch thu phương tiện là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Trong khi đó luật sư Vũ Tiến Vinh khẳng định, việc này có cơ sở pháp lý. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định tại Điều 26 về Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Sau đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ Công an, Tư pháp nghiên cứu đề xuất việc tịch thu phương tiện đối với lái xe uống nhiều rượu bia, báo cáo Thủ tướng trước 31/3.