Nhà xe không ngó lơ cảnh sát?
Hai ngày qua, nhiều hành khách đi trên các tuyến xe chạy về Nam Định, Thái Bình từ bến xe Mỹ Đình phản ánh, họ bị các nhà xe thu giá vé chặt chém và “giam” hàng giờ trên đường vì không bắt được xe trong bến Mỹ Đình đành phải ra đường để bắt xe. Anh Tùng, một hành khách vừa bắt xe khách từ cổng bến Mỹ Đình về Nam Định cho biết, bình thường lộ trình trên anh chỉ đi hết 70.000 đồng/lượt, nhưng tối thứ 7 (30/1) anh phải trả giá 150.000 đồng/lượt.
Có mặt tại bến xe Mỹ Đình vào chiều 30/1, phóng viên Tiền Phong ghi nhận, tuy cuối ngày nhưng lượng hành khách, đặc biệt là sinh viên đổ về bến xe vẫn rất đông. Tại một số khu vực dành cho các xe chạy tuyến Vinh, Lào Cai, Thái Bình, Nam Định…, thời điểm hơn 17h đã vắng xe khách, quầy bán vé trong bến cũng đóng cửa. Tại các cột biển báo 06, 07… ghi các xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình có gần 100 hành khách đứng chờ, nhưng không thấy xe. Trong khi đó, bên ngoài cổng ra vào bến Mỹ Đình, xe chạy về Nam Định, Thái Bình lượn như chong chóng để mời gọi khách. Thậm chí, xe có BKS 29B-01959 ghi biển chạy về thành phố Nam Định đứng cố định trước mũi ô tô tuần tra BKS 31A-5982 của cảnh sát để bắt khách như một bến cóc. Thời điểm phóng viên có mặt, ngoài lực lượng CSGT, tại khu vực bến xe Mỹ Đình còn có Thanh tra giao thông (TTGT) và các tổ tuần tra của Công an đi trên xe công vụ BKS 31A-5982 đứng làm nhiệm vụ. Nhưng xe khách chạy các tuyến Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh… vẫn vô tư dừng đỗ bắt khách.
Xe khách 29B-01959 là “xe dù”
Thực hiện công tác đảm bảo trật tự giao thông tại khu vực các bến xe Hà Nội dịp Tết Bính Thân, hiện đang có tới 4 lực lượng cùng làm nhiệm vụ xử lý xe khách vi phạm, gồm CSGT, TTGT, Liên ngành 197 thành phố và Công an quận, huyện. Theo đó, cùng với nhiệm vụ đảm bảo giao thông khu vực bến xe, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho chủ trương, nếu phát hiện xe khách vi phạm các lỗi dừng đỗ, đón trả khách, đi rùa bò (đi dưới tốc độ tối thiểu tại khu vực trước bến xe là 30 km/h), nhồi nhét, chặt chém giá vé… các lực lượng trên có nhiệm vụ xử lý nghiêm, thậm chí “nhốt” xe vi phạm. Tuy nhiên, hiệu quả mà các lực lượng này mang lại chưa như mong đợi. Người dân đi trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng (khu vực qua bến Mỹ Đình), Giải Phóng (khu vực qua bến Giáp Bát), Nguyễn Khoái (khu vực qua bến Lương Yên), Ba La (khu vực qua bến Yên Nghĩa), Ngọc Lâm - Nguyễn Văn Linh (khu vực qua bến Gia Lâm)… vẫn không khó nhận ra những chiếc xe khách to kềnh, đứng chình chình trên đường bắt khách. Với khu vực tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa… thường xuyên có 4 lực lượng trên cùng đứng xử lý, nhưng hình ảnh các xe khách chạy các tuyến như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang… vẫn vô tư đi rùa bò, bắt khách.
Trao đổi với PV Tiền Phong, trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội thừa nhận, đang có ít nhất 4 lực lượng cùng xuống đường xử lý xe khách vi phạm tại khu vực bến xe. Riêng Đội CSGT số 4 có tổ tuần tra được tăng cường cho việc này. Trong thời gian qua Đội đã lập biên bản vi phạm hàng nghìn trường hợp, tuy nhiên do lượng người đứng bắt xe trên đường còn đông nên nhiều xe khách vẫn tranh thủ hoạt động.
Liên quan đến xe 29B-01959 chạy tuyến Nam Định đứng trước mũi xe tuần tra 31A-5982 của công an bắt khách tối 30/1, chiều qua lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết, sau khi kiểm tra, lãnh đạo bến không thấy xe này có “nốt” (giấy phép hoạt động tuyến) tại bến Mỹ Đình. Cũng theo vị này, việc xe khách không có “nốt” nhưng chạy đến khu vực bến xe Mỹ Đình bắt khách là vi phạm quy định, đây là hoạt động của các “xe dù” và cơ quan chức năng cần chấn chỉnh kịp thời.