Xe dù, bến cóc tràn lan
Theo quan sát của PV Tiền Phong, hàng chục xe ô tô khách mang BKS 74…(Quảng Trị) chạy tuyến cố định Quảng Trị - Mỹ Đình (Hà Nội) nhưng vẫn ngang nhiên đón, khách trên phố Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, HN).
Tại khu chung cư HH1 thuộc ngõ 102 Trường Chinh (Đống Đa), xuất hiện tới 4 xe mang BKS 36…(Thanh Hóa) dừng đỗ tại khu vực này. Anh Trần T.L sinh sống tại tòa nhà HH1 cho biết: Các xe khách BKS 36… thường trả khách vào lúc 6h sáng và đón khách cho tới 19h thì xuất phát. PV cũng quan sát thấy nhiều xe khách BKS 29…(Hà Nội); 14… (Quảng Ninh) đón trả khách tại số 2 Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy); nhiều xe mang BKS 26…(Sơn La); 19…(Phú Thọ); 20…(Thái Nguyên)… đón, trả khách tại số 18 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm).
Anh Nguyễn H.B sống tại quận Nam Từ Liêm nói: Gần đây tôi thấy cơ quan chức năng ra rả nói trên truyền hình, báo chí là sẽ xử lý nghiêm nạn xe dù, bến cóc… nhưng xe khách lù lù len lỏi cả vào ngõ ngách để đón khách thì làm sao mà không tắc đường, không rủi ro nguy hiểm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, mấy năm trở lại đây, Sở này đã quyết liệt dẹp bỏ nạn xe dù, bến cóc. So với 5,6 năm về trước, nạn xe dù, bến cóc đã được dẹp bỏ tới 80%, hiện chỉ còn khoảng 20% loại hình này tồn tại.
Với những trường hợp cụ thể, chẳng hạn điểm đón, trả khách trên đường Trần Đại Nghĩa, ông Linh lý giải rằng, một số đơn vị, chủ phương tiện làm giả hợp đồng chạy tua, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý.
Xử phạt được rất ít
Được biết, thanh tra giao thông Hà Nội mới chỉ lập biên bản vi phạm hành chính 4 trường hợp bến cóc, và chỉ phạt tiền 1 trường hợp với mức 7 triệu đồng.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng Tham mưu tổng hợp (Sở GTVT TP Hà Nội) nói: Quá trình kiểm tra các vị trí hoạt động của xe dù, bến cóc cho thấy, các đơn vị đều có dấu hiệu sai phạm. Có đơn vị có giấy phép làm bãi trông xe nhưng không có hoạt động đón, trả khách, có đơn vị không có giấy tờ gì cả nhưng vẫn hoạt động đón, trả khách và trông xe. Các địa điểm trên rơi vào đất dự án, có đơn vị được UBND TP cấp giấy phép tạm thời làm bãi trông xe.
Ngoài trường hợp xử phạt 7 triệu đồng, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội phát hiện 10 chiếc xe ô tô chở khách loại 45 chỗ chạy tuyến cố định liên tỉnh đỗ trong bãi xe tại khu đất thuộc Dự án LK The Premier, số 2 Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy, Hà Nội).
Qua kiểm tra, bãi xe trên do Cty TNHH Phúc Anh quản lý, và họ đã xuất trình được 8/10 hợp đồng trông giữ xe giữa Cty với các chủ phương tiện. Tuy nhiên, đại diện Cty TNHH Phúc Anh lại không xuất trình được giấy chấp thuận trông giữ phương tiện do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi “Tổ chức hoạt động khai thác bến xe, bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” và yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc trông giữ phương tiện không phép.
Cận cảnh một bến cóc
Cách bến xe Mỹ Đình (Nam Hà Nội) chừng 100m, một bến cóc ngang nhiên tồn tại phục vụ xe dù, xe chạy trái tuyến, xe du lịch đội lốt xe khách từ nhiều tỉnh đi/về Hà Nội.Cạnh cổng vào bến cóc này là một kiốt được quây tôn dùng làm nơi bán vé cho hành khách đi tuyến Hà Nội – Lào Cai của Cty cổ phần 27-7 Thanh Xuân (với thương hiệu Vietbus, trụ sở chính tại 736 Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội).
PV Tiền Phong đặt vấn đề mua vé đi Lào Cai, được nhân viên bán vé tên Oanh nhanh nhảu tư vấn: “Xe đi tuyến này gồm 3 chuyến vào 18 giờ, 20 giờ và 21 giờ. Tuyến 21 giờ xe chạy từ Thái Bình lên Hà Nội rồi mới vòng lên Lào Cai nên thường hết giường. Chị nên đi chuyến xe lúc 18 giờ, xe thoáng hơn nhiều vì giờ này thường ít khách”. Sau một lúc trao đổi, nhân viên này bán cho PV một vé Mỹ Đình - Sa Pa giá 300.000 đồng. Vé xe này lại không ghi rõ biển kiểm soát xe: “Chị cứ yên tâm, khoảng 6 giờ kém 15 có mặt tại đây để đi”.
Bến xe dù và hoạt động đón, trả khách tại số 18 Phạm Hùng
Phía trong, bến cóc này luôn duy trì khoảng 30 xe khách giường nằm và ghế ngồi thường xuyên ra vào trả khách. Những xe dù này chủ yếu chạy các tuyến Quảng Bình, Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình…. về Hà Nội. Các xe này đủ các loại phù hiệu, chủ yếu là xe mang phù hiệu xe hợp đồng, hoặc xe chạy trái tuyến lên khu vực Mỹ Đình. Khách được đón trả đông đúc trong bến. Không khác gì bến xe chính, cổng bến cóc này có một nhân viên kiểm soát giấy tờ từng xe khách ra vào bến. Không xe máy, taxi nào ra vào bến mà không phải nộp phí.
Quanh bến xe Mỹ Đình còn nhiều bến cóc khác ngang nhiên tồn tại, chẳng hạn như bến cóc số 18 Phạm Hùng, xe Dòng Hiền (chuyên chạy tuyến Hà Nội – Quảng Bình) được báo Tiền Phong nhiều lần phản ánh chạy dạt về đây, vẫn thấy ngang nhiên đón khách.
Chuyên nghiệp hơn, Cty Tâm Long (địa chỉ 128 đường Lê Đức Thọ kéo dài - phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, cách bến Mỹ Đình khoảng 2 km), tổ chức đón trả khách, giao nhận hàng hóa cho xe chuyên tuyến Hà Nội – Hương Sơn (Hà Tĩnh) ngay dưới lòng đường Lê Đức Thọ. Các xe này mang thương hiệu của Cty Vận tải Hải Nam, ghi trên kính "xe chạy đến Mỹ Đình". Tuy nhiên, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết chiếc xe dừng đón trả khách tại đây mang biển số 38B 00625 không có danh sách tại bến Mỹ Đình.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Ngọc Đức, Đội trưởng Thanh tra Giao thông Nam Từ Liêm nắm rất chắc các điểm bến cóc trên địa bàn. Tuy nhiên, mỗi tháng, đơn vị này chỉ xử lý được 6-7 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp tái phạm. Xe dù thường hoạt động nhiều về đêm, nhưng ông Đức cho rằng, đội của ông không được xử lý về đêm.
Nhóm PV Kinh Tế