Xe công nên thỏa sức xài?

Xe công nên thỏa sức xài?
TP - Cùng một lớp, cùng ở Nam Định lên Hà Nội học, nhưng 3 cán bộ dùng 3 xe công... Để làm rõ hơn về vấn đề này, hôm qua, 16/10, phóng viên Tiền phong đã có cuộc làm việc với một số cá nhân được nêu trong bài "Xe công rình rang... đi học".

>> Thường trực Tỉnh ủy cho phép tôi dùng xe công đi học

>> Dùng xe công đi học theo nhu cầu cá nhân là sai

>> "Dùng xe công vào việc tư có thể tiêu tan sự nghiệp"

Trong bài "Xe công rình rang... đi học" chúng tôi đã đề cập đến việc sử dụng xe công đi học tại một lớp học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Buổi  làm việc diễn ra tại trụ sở UBND TP Nam Định với sự có mặt của ông Nguyễn Viết Hưng - Chủ tịch UBND TP Nam Định, ông Nguyễn Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Nam Định và bà Trần Thị Liên Hương, Phó chánh Văn phòng UBND TP Nam Định.

“Xin khẳng định, theo quy định của pháp luật thì tôi không được sử dụng  xe riêng”- Ông Hưng nói. Về chiếc xe Camry BKS 18B-6868 mà ông Hưng dùng để lên Hà Nội học là chiếc xe dùng chung trong thường trực UBND TP Nam Định.

“Quy định sử dụng xe của thành phố là hết sức chặt chẽ, bất cứ đồng chí nào lấy xe ra sử dụng đều phải ký tên” - Ông Hưng khẳng định. Để minh chứng cho sự chặt chẽ này, bà Hương đưa ra tập giấy có chữ ký của lãnh đạo thành phố mỗi khi lấy xe ra hoạt động.

Mặc dù không phải là xe riêng, nhưng ông Hưng là người sử dụng chính chiếc xe này (60-70% số lần hoạt động của xe). “Chúng tôi thường nhường để anh Hưng dùng chiếc xe này vì đó là phục vụ công tác đối ngoại của thành phố” - Ông Dũng cho biết.

Xe công - thỏa sức xài?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì tỉnh Nam Định có 5 cán bộ chủ chốt theo học lớp cao học kinh tế chính trị 13I - cuối tuần tại trường Đại học KTQD Hà Nội gồm:

Ông Phạm Hồng Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định,  ông Phạm Quốc Khánh, Phó GĐ Sở KH & ĐT Nam Định; ông Nguyễn Viết Hưng, Chủ tịch UBND TP Nam Định; ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định; ông Đoàn Hồng Phong - GĐ Sở Tài chính Nam Định.

Lớp học được tổ chức cuối năm 2004.

Việc học do các cá nhân tự túc kinh phí. Theo ông Hưng thì thời gian đầu đi học,  anh em (học cùng) đi chung một chiếc xe công lên Hà Nội học. Khi về thì mọi người tự túc phương tiện.

Tuy nhiên, về sau một số đã dùng xe riêng để đi học. Tuy nhiên, số học viên này cũng vẫn thường xuyên đi xe ca hoặc mượn xe ngoài để đi học.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc các cán bộ của tỉnh Nam Định dùng xe công đi học là rất lãng phí. Ví dụ như thường xuyên có 3 chiếc xe công là xe của các ông Phạm Hồng Hà, Nguyễn Viết Hưng, Đoàn Hồng Phong đưa đón đi học.

3 ô tô kèm theo 3 lái xe, 3 lần phí cầu đường, 3 lần chi phí nhiên liệu. Theo định mức mà UBND TP Nam Định chi cho mỗi chuyến xe lên Hà Nội (lượt đi và về-200km) là khoảng 36 lít xăng và 4 lần phí cầu, đường. 

Như vậy chi phí cho một chuyến đưa đón cán bộ đi học lên đến 420.000 đồng. Đó là chưa kể chi phí nhân công (làm thêm giờ nếu có), khấu hao xe.

Tóm lại, chỉ với việc dùng một chiếc xe đưa đón cán bộ đi học một chuyến trong tuần, chi phí khoảng 1,7 triệu đồng trong vòng 1 tháng. Vì vậy 3 chiếc xe nếu được dùng chuyên chở lãnh đạo đi học trong gần 3 năm sẽ ngốn khoảng 180 triệu đồng ngân sách Nhà nước.

Số tiền quả không nhỏ đối với một tỉnh còn chưa thuộc diện giàu có như Nam Định. Giá như 3 vị lãnh đạo này dùng chung một xe thì ngân sách đỡ tốn kém được hai phần ba.

Nhưng có lẽ vì là lãnh đạo đi học nên thật khó ngồi chung xe (!?). Và hơn nữa có phải vì xe công nên người ta thỏa sức xài?

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Hưng cho biết theo chính sách khuyến khích của tỉnh Nam Định thì mỗi cán bộ học xong chương trình cao học sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng.

Số tiền này được dành để hoàn trả tiền xăng dầu khi dùng xe công đi học. Tuy nhiên, số tiền cụ thể là bao nhiêu và bao giờ được hoàn trả thì chưa rõ vì khoá học chưa kết thúc.

Dư luận đang nóng lòng chờ đợi vào một thái độ nghiêm túc, làm gương của một số lãnh đạo tỉnh Nam Định trong việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. 

MỚI - NÓNG