“Lô cốt” bủa vây đường phố Hà Nội:

Xe cộ leo vỉa hè, đóng cửa kinh doanh

TP - Do “lô cốt” chiếm dụng nên ngoài đi lại khó khăn, việc kinh doanh của người dân trên các tuyến phố bị ảnh hưởng, nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Chủ đầu tư khẳng định, sẽ loại các nhà thầu thi công ẩu, gây ảnh hưởng đến giao thông.

Xe cộ leo vỉa hè, đóng cửa kinh doanh ảnh 1 Vỉa hè nút giao Thanh Xuân được bạt làm đường đi, nhà hàng Thành Nam phải hạ rèm, tắt điện vì đường ùn tắc. Ảnh: Trọng Đảng
Đóng cửa vì “lô cốt”


Tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông dài hơn 5 km nhưng mỗi khi đi làm sáng chị Nguyễn Thị Thanh, khu phố 2 phường Quang Trung, Hà Đông phải mất từ 45 phút đến một giờ. Theo chị Thanh, tình trạng này diễn ra gần 2 năm nay, kể từ khi gần một nửa lòng đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông bị quây hàng rào để làm đường sắt trên cao. Với nhiều người dân ở các khu vực như Xa La, Vạn Phúc (Hà Đông) để không bị tắc đường, muộn giờ làm buổi sáng họ thường rẽ ra các tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Kim Giang để vào nội thành. 

Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT, CATP Hà Nội (PC67) cho biết, ngoài gần 1/2 làn đường ở dải phân cách giữa dành cho việc đổ trụ cầu, hiện tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông còn có 7 “lô cốt” của dự án Cát Linh - Hà Đông, ùn ứ thường xảy ra vào giờ cao điểm. 

Tại nút giao thông Thanh Xuân, ngoài dự án đường sắt, hiện nút giao này còn có “lô cốt” của dự án hầm chui và dự án vành đai 3 giai đoạn 2. Do 3 dự án cùng thi công, phần lớn mặt bằng tại đây bị “lô cốt” phong tỏa. Để có đường cho phương tiện qua lại, vỉa hè được bạt để làm đường. Do ùn tắc và vỉa hè được tận dụng làm đường đi, nhiều cửa hàng buôn bán đã phải đóng cửa vì không còn lối ra vào, vị trí để xe. 

Chủ cửa hàng máy tính Nam Anh tại nút Thanh Xuân cho biết, bình thường mỗi ngày bán được từ 700 đến 1.000 sản phẩm nhưng từ ngày “lô cốt” hầm chui Thanh Xuân dựng lên, họ vắng bóng khách. Với các cửa hàng thời trang, điện máy thậm chí nhà hàng lớn như For Men, Trường Đức, Hương Rừng… cũng phải đóng cửa, treo biển chuyển địa điểm.

Tình trạng “lô cốt” án ngữ giữa đường hàng năm gây khó khăn cho việc đi lại cũng như kinh doanh của người dân cũng xảy ra trên nhiều tuyến phố Hà Nội như Cầu Giấy - Xuân Thủy; Láng Hạ - Lê Văn Lương; Hoàng Cầu - Yên Lãng; Trường Chinh - Láng… Với tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương, trong khi bên ngoài hàng rào các “lô cốt” này sáng chiều đường ùn tắc nhưng bên trong lại vắng bóng công nhân thi công.

Loại nhà thầu ảnh hưởng đến giao thông

Về thực trạng hàng rào thi công lấn đường nhưng không thi công, Trung tá Hoàng Văn Đạo, Đội CSGT số 3, cho rằng, các đơn vị thực hiện dự án cần đẩy mạnh thi công theo phương án cuốn chiếu. Hàng rào được dựng lên và để quá lâu khiến tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương bị ùn ứ thường xuyên vào giờ cao điểm. 

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các dự án dựng “lô cốt” trên địa bàn Hà Nội hiện tập trung nhiều trên các tuyến đường từ vành đai 2 trở ra. Hầu hết các dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư như đường vành đai 3, nút giao Thanh Xuân, nút giao Mai Dịch và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Các dự án này đều chậm so với tiến độ đề ra. 

Về dự án thi công kéo dài, không đồng bộ và chồng lấn với các dự án của TP Hà Nội, ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT (chủ đầu tư các dự án hầm chui Thanh Xuân, đường vành đai 3) cho biết, do các dự án sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản) nên quá trình triển khai phụ thuộc việc giải ngân của nhà tài trợ. “Đây là nguyên nhân khiến dự án bị chậm, dẫn đến chồng lấn với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, gây ùn tắc giao thông. Xảy ra việc này là điều rất đáng tiếc”, ông Bình nói.

Với hạng mục hầm chui, ông Bình cho rằng, quy hoạch ban đầu có hầm trong dự án nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thực hiện. Sau khi dự án đường vành đai 3 thi công xong, do còn vốn Ban đã đề xuất và được nhà tài trợ đồng ý cho làm hầm. Trước việc công trường hầm chui Thanh Xuân quây rào nhưng không thấy công nhân thi công ban ngày, ông Bình nói, chủ đầu tư sẽ giám sát, kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện nhà thầu thi công cẩu thả, ảnh hưởng đến giao thông đi lại chủ đầu tư sẽ kiểm điểm và loại nhà thầu vi phạm.

Theo quy hoạch lẽ ra nút giao thông Thanh Xuân đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng gồm đường dưới thấp, đường trên cao và hầm chui; tuy nhiên sau 10 năm xây dựng đến nay nút giao này mới xong được hạng mục đường. Còn hầm chui vừa được chủ đầu tư khởi công trong tháng qua. Cộng với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện nút giao thông Thanh Xuân đang có “lô cốt” của 2 dự án bủa vây. Và cũng từ khi hạng mục hầm chui được khởi công, đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông thường xuyên ùn tắc.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.