Xe 3 bánh- mua bao nhiêu cũng có
Quản lý xe 3 bánh tự chế giả danh thương binh tại Thủ đô tựa như việc “bắt cóc bỏ đĩa”, bởi sau những chuyên đề kiểm tra, xử lý thì xe 3 bánh lại tái xuất giang hồ. Vào đầu giờ sáng, trưa, các tuyến phố Đê La Thành, Minh Khai, Mai Động, Trường Chinh, Trần Nhân Tông... lại nườm nượp xe 3 bánh tụ tập chờ khách. Do nhiều tuyến phố cấm xe tải trong khi nhu cầu vận chuyển của người dân lại lớn nên xe 3 bánh thừa đất sống.
Trong vai người đi mua xe, phóng viên được các lái xe giới thiệu cho đủ loại mẫu mã xe 3 bánh. Chỉ vào 1 chiếc xe màu đỏ nhãn hiệu LongXin, một lái xe chừng 40 tuổi, tên Toàn cho biết: “Xe chủ yếu là máy Tàu, trong đó dòng máy 5 sao (có 5 sao phía dưới logo máy) như chiếc này là hàng trung ương, tốt nhất thị trường”. Ông Toàn rao bán chiếc xe với giá 30 triệu đồng. Mua xe chỉ cần đủ tiền, giao chìa khóa là xong. Để trấn an, ông Toàn khẳng định: “Xe này đã đi là không ai dám đụng vào đâu. Thích thì anh xin vào Hợp tác xã 27-7 cho chắc ăn?!”.
Tiếp tục tìm hiểu về thị trường xe 3 bánh, phóng viên có mặt tại một cửa hàng sửa xe 3 bánh trên phố Mai Động. Chủ cửa hàng vừa hàn xì một bộ khung sắt cho chiếc xe mới vừa nói: “Có hình ảnh các mẫu xe ở trong nhà, máy gì cũng có, đặt tiền 1 tuần sau có hàng về”. Sau khi lấy xe về cửa hàng sẽ tiến hành độ khung sắt, giá mỗi bộ khung sắt khoảng 15 triệu đồng. Tất nhiên, xe cũng không có bất cứ loại giấy tờ nào. Điều đáng nói, ngoài xe 3 bánh tự chế dán logo 27-7, Thương Binh, đường phố Hà Nội còn xuất hiện loại xe 3 bánh rất mới, đóng khung chắc chắn hơn, có biển kiểm soát từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định... Loại xe này hầu hết do thanh niên điều khiển. Trao đổi với chủ nhân một chiếc xe 3 bánh mang biển 18 (Nam Định), anh này khẳng định: Xe biển “xịn”, có giấy tờ đàng hoàng. Được biết, bình quân thu nhập mỗi ngày của xe ba gác khoảng 300.000 - 500.000 đồng.“Không có chuyện lái xe nói có thể “chạy” vào HTX để hợp thức hóa việc lái xe ba gác tự chế. “Rất mong các cơ quan chức năng xử lý triệt để việc lợi dụng mác thương binh như hiện nay. Việc xử lý của CSGT không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn trả lại danh dự cho những người thương binh thực sự” .
Ông Đào Văn Bình, Chủ nhiệm HTX Vận tải 27-7
Khó xử lý xe 3 bánh
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội CSGT số 5 cho biết: Xử lý xe tự chế rất khó. Hiện nay xuất hiện một số loại xe có đăng ký từ các tỉnh khác vào Hà Nội để chở hàng. Lực lượng chức năng đã kiểm tra nhưng không thể xử phạt vì người lái xuất trình đầy đủ giấy tờ. Ngoài ra, còn có một số trường hợp xe không có đăng ký nhưng người lái bị thương tật thật thì cũng chỉ có thể nhắc nhở.
Tại đường Đê La Thành, nơi có nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng, nhu cầu vận chuyển lớn, lòng đường lại hẹp nên có rất nhiều xe 3 bánh đi lại gây bức xúc cho người dân. Anh Lê Kiên, Đài truyền hình Việt Nam cho biết: “Xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh, lại phóng nhanh vượt ẩu nên thường xuyên có va quệt trên tuyến đường này”. Một chiến sĩ CSGT tại khu vực này cho biết, các đối tượng lái xe giả danh thương binh thường phóng nhanh, lạng lách để qua mặt lực lượng chức năng. Nhiều lái xe còn trẻ khi bị bắt lại viện lý do là lái xe hộ cho người nhà đang ốm, hoặc không chịu hợp tác, nhờ người đến “giải cứu”.
Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, CA TP thì trong thời gian vừa qua, PC67 đã tổ chức nhiều chuyên đề nhằm giảm tai nạn giao thông, một trong những chuyên đề trọng điểm được tập trung xử lý là xe 3 bánh tự đóng giả danh thương binh. PC67 đã thu giữ 193 trường hợp, nhắc nhở 41 trường hợp chở hàng cồng kềnh trong tháng 10. Trưởng phòng PC67 thông tin, đối với các trường hợp thương binh thật nhưng chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm, anh em sẽ nhắc nhở 2 lần. Đến lần thứ 3 sẽ xử phạt.