Xảy ra vụ như Vinashin, ai chịu trách nhiệm?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội.
TPO - 'Trong trường hợp xảy ra như vụ việc Vinashin thì các đồng chí rút kinh nghiệm, quy định trách nhiệm trong này như thế nào? Không phải bây giờ 87 nghìn tỷ bỏ ra, xong rồi không ai chịu trách nhiệm', Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu câu hỏi khi thảo luận về Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sáng 1/6.

Theo ông Kiên, trong Dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trưởng không tương xứng với nhau. 

“Tôi xin gửi lại Ban soạn thảo một câu hỏi: Trong trường hợp xảy ra như vụ việc Vinashin thì các đồng chí rút kinh nghiệm, quy định trách nhiệm trong này như thế nào? Không phải bây giờ 87 nghìn tỷ bỏ ra, xong rồi không ai chịu trách nhiệm. Tôi xin chuyển Ban soạn thảo câu hỏi của cử tri”, ông Kiên nói.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) thì đề nghị Dự thảo luật bổ sung nhấn mạnh hơn về trách nhiệm của Chính phủ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. 

“Vừa qua trong bộ máy Chính phủ từ Trung ương đến địa phương còn xảy ra nhiều tham nhũng nhưng trách nhiệm của Chính phủ chưa được rõ ràng”, ông Tiếp cho hay.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, ông Tiếp cũng đề nghị bổ sung ghi thêm nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó Thủ tướng phải có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, chống lãng phí trong bộ máy nhà nước và các hoạt động kinh tế, xã hội.

Theo ông Tiếp, qua tiếp xúc cử tri thời gian qua, cử tri luôn đặt trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bởi vì sao tham nhũng không được đẩy lùi, mà còn gia tăng, nguy cơ hơn. Trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên chính phủ cần phải đưa vào Luật tổ chức hoạt động của Chính phủ lần này và quy trách nhiệm cụ thể.

Đối với quy định về cấp phó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) không đồng tình khi bên cạnh nguyên tắc cứng, tức là các bộ không quá 5, Bộ quốc phòng, Bộ ngoại giao, Bộ công an không quá 6 nhưng lại “thòng” một câu là:  "Trường hợp đặc biệt, sáp nhập các cơ quan ngang bộ. Yêu cầu điều động của cơ quan có thẩm quyền. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tăng số lượng thứ trưởng, phó của các cơ quan ngang bộ".

“Chúng ta vừa đưa ra nguyên tắc cứng, đã là có ý đồ đưa ra nguyên tắc mềm ở dưới để mình thêm. Thế thì làm sao được? Tôi đề nghị phải bỏ chỗ này. Đã đưa cứng rồi, như vậy Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, không thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại quyết cao hơn Quốc hội nữa là không được. Theo tôi nghĩ, nếu chúng ta muốn thiết kế mềm thì phải thiết kế dự phòng trong này. Còn nếu chúng ta quyết định để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cao hơn Quốc hội, lại quyết định thêm cấp phó nữa thì không hợp lý”, ông Thuyền bày tỏ quan điểm.

MỚI - NÓNG