Tháng Thanh niên

Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường

Các khách mời cùng giao lưu với các em học sinh Trường THCS Kiến Hưng về xây dựng tình bạn đẹp và đẩy lùi bạo lực học đường.
Các khách mời cùng giao lưu với các em học sinh Trường THCS Kiến Hưng về xây dựng tình bạn đẹp và đẩy lùi bạo lực học đường.
TP - Chiều 30/3, Hội đồng Đội T.Ư phối hợp báo Tiền Phong tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” tại Trường THCS Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Từ rượu bia tới yếu tố gia đình

Tham gia chương trình, các em được gặp gỡ và trao đổi với anh Nguyễn Long Hải, Bí thư BCH T.Ư Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, anh Trần Thanh Lâm, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, TS Nguyễn Trọng An, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em và nghệ sỹ Xuân Bắc về chủ đề xây dựng tình bạn đẹp phòng chống bạo lực học đường.

“Trong tình trạng bạo lực học đường hiện nay, các tờ báo như Thanh niên, Thiếu niên Tiền Phong, Tiền Phong hay Sinh viên Việt Nam đều có chung mục đích, đó là: Tuyên truyền, định hướng cho các em những giá trị, đạo đức tốt đẹp, nêu tấm gương người tốt, việc tốt để các em noi theo, đẩy lùi bạo lực học đường”.

Nhà báo Trần Thanh Lâm, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong

Tại đây, TS Nguyễn Trọng An nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có thiếu vắng sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Thực tế cho thấy, bạo lực học đường thường gặp ở những bạn trẻ có cha mẹ đã ly thân, ly dị hay liên quan đến pháp luật, mải đi làm không quan tâm, hoặc quá giàu có giao con cho người giúp việc. Nguyên nhân  nữa là do nhà trường, đôi khi quá nặng về vấn đề kiến thức, coi nhẹ vấn đề về giáo dục đạo đức. Các yếu tố xã hội khác như:  phim, ảnh, game bạo lực, đồ chơi bạo lực cũng có tác động  xấu đến các em. Những đồ uống có chất kích thích như rượu, bia cũng làm tăng yếu tố bạo lực.

Theo TS An, nếu giải quyết được các nguyên nhân trên, sẽ giải quyết được cơ bản bạo lực của xã hội nói chung và bạo lực học đường nói riêng: “Bạo lực học đường hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một phần được báo chí đưa lên nhưng thực ra bạo lực học đường còn hơn thế. Điều đó cho ta thấy bạo lực học đường mang tính chất tàn bạo và báo động một xã hội đang hỗn loạn”.

Là nghệ sỹ đồng hành của chương trình, nghệ sỹ hài Xuân Bắc, Đại sứ thiện chí của UNICEF, đưa ra các tình huống, câu hỏi liên quan đến bạo lực học đường để các em thảo luận. Đặc biệt, với tiểu phẩm hài dí dỏm, thiết thực đã giúp truyền đi thông điệp: Đánh bạn có giúp mình học giỏi hơn? Đánh bạn có giúp mình ngoan hơn? Đánh bạn- mọi người có yêu quý mình hơn? Câu trả lời “to tướng”: Không. Vậy, tại sao phải nói chuyện với bạn bằng tay chân?

Thêm sân chơi cho giới trẻ

Tại buổi trò chuyện, anh Nguyễn Long Hải, chia sẻ những giải pháp để giảm thiểu bạo lực trong học đường. Theo anh Hải, trước hết, những người làm giáo dục phải có những hành động cụ thể để lên án vấn đề này ngay từ đầu. Đặc biệt, nên giáo dục các em bằng biện pháp tập thể. Mở thêm các sân chơi, hoạt động ngoại khóa, thư viện… để các em vừa chơi, vừa học.

“Trước tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian gần đây, Hội đồng Đội T.Ư đã báo cáo với Ban Bí thư T.Ư Đoàn và có hướng dẫn trong các cơ sở đội để tổ chức rộng rãi những chương trình sinh hoạt về xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường. Chúng tôi mong muốn, những sinh hoạt này chính là những sinh hoạt tập thể của các em, anh Hải cho biết.

Thời gian tới, Hội đồng Đội T.Ư sẽ làm mẫu một số chương trình ở các tỉnh thành phố lớn và tổ chức Đoàn các cấp sẽ chỉ đạo, tạo điều kiện để các Liên đội trong nhà trường có những tọa đàm trao đổi cho các em, để chính các em nói lên suy nghĩ của mình về thế nào là một tình bạn đẹp, thế nào là bạo lực học đường để các em trực tiếp lên án cùng nhau xây dựng một tình bạn tốt.

“Từ đầu năm, nhà trường đã có những quy định về nghiêm cấm bạo lực học đường, tổ chức buổi ngoại khóa “Ngày Pháp luật Việt Nam” bằng cách cho các em vẽ tranh, tìm hiểu về pháp luật liên quan đến bạo lực học đường. Sắp tới, nhà trường kết hợp với các trường khác trên địa bàn quận Hà Đông và các tổ chức xã hội để chung tay quản lý, giáo dục các em chặt chẽ hơn”, cô Trịnh Thị Quang, Hiệu Trưởng trường THCS Kiến Hưng, nói.

Nói về buổi sinh hoạt, em Dương Ngọc Anh, lớp 6C, Trường THCS Kiến Hưng, vui vẻ:  “Em rất thích những buổi sinh hoạt như thế này. Nó giúp em hiểu hơn và tránh được bạo lực học đường và em sẽ tuyên truyền cho các bạn biết làm thế nào để xây dựng được một tình bạn đẹp”. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.