Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM đối thoại với học sinh:

Chương trình học nặng, bạo lực học đường tăng

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trả lời câu hỏi của học sinh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trả lời câu hỏi của học sinh.
TPO - “Gần đây, những hàng vi bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra rất nhiều, ngay cả trường con cũng có, đặc biệt khi xem clip nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng khiến con rất hoang mang và lo sợ. Vì vậy, mong lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, các thầy cô có biện pháp mạnh hơn để răn đe”.

Đó là tâm tư của em Trần Nguyễn Thụy Khanh, học sinh lớp 6/1, trường THCS Lạc Hồng, quận 10, TPHCM trước Ban giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM và các thầy cô giáo, các bạn học sinh tại buổi đối thoại giữa Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM với học sinh năm học 2014- 2015 tổ chức ngày 25/3.

Sợ bạo lực học đường…

Mở đầu không khí buổi đối thoại, em Trần Thu Phương, học sinh lớp 7/3, trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình đặt vấn đề học sinh nói tục, chửi thề ngày càng nhiều, nhiều bạn cứ mở miệng là chửi thề mà không biết vì sao? “Em đã hỏi nhiều bạn vì sao lại chửi thề nhưng các bạn không giải thích được, chỉ bảo là quen miệng nên nói thôi”, Phương kể.

Theo Phương, nguyên do của chửi thề là người lớn chưa nghiêm túc, đụng đâu chửi thề đó nên học sinh mới học theo. Ngoài ra, về vấn đề tư vấn tâm lý, Phương kiến nghị “Các trường học nên tổ chức các phòng tư vấn tâm lý tại trường để tư vấn cho học sinh bởi hiện giờ chúng em đang rất áp lực vì học tập, thời gian học hầu như suốt cả tuần nên cần có nơi để giải tỏa, chia sẻ muộn phiền, bức xúc”.

Trong khi đó, em Trần Nguyễn Thụy Khanh, lớp 6/1 dẫn chứng về vụ nữ sinh Trà Vinh bị đánh hội đồng và cho rằng “BLHĐ ngày càng nhiều, khiến chúng con hoang mang, lo sợ. Vì vậy, mong Lãnh đạo Sở GD&ĐT, các thầy cô có biện pháp mạnh hơn để răn đe”, Khanh nói.

Chương trình học nặng, bạo lực học đường tăng ảnh 1

Em Trần Nguyễn Thụy Khanh, học sinh lớp 6/1, trường THCS Lạc Hồng  cho rằng BLHĐ làm em hoang mang và lo sợ.

Còn em Võ Ngọc Nguyên Thảo, lớp 11A2, trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức cho rằng, mạng xã hội hiện nay rất phổ biến trong khi ở lứa tuổi THCS, THPT tâm sinh lý thay đổi rất nhiều nhưng lại ít tâm sự với bố mẹ, thầy cô, trong khi đội ngũ giáo viên tâm lý còn ít. “Vì thế, em đề xuất lập một trang web để tư vấn tâm lý, giải tỏa tâm lý cho học sinh, đồng thời tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh chúng em việc chọn ngành nghề theo học sau này”, Thảo nói.

Trả lời một số vấn đề liên quan đến BLHĐ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Về BLHĐ Sở sẽ phải kiểm tra lại, riêng các em học sinh cần phải tháo gỡ mâu thuẫn trước, tránh dẫn đến BLHĐ”.

Chương trình học nặng, chưa hợp lý

Đó là ý kiến của em Phạm Huỳnh Bảo Ngân, học sinh lớp 9A7, trường THCS Ngô Tất Tố, Phú Nhuận. Theo Ngân, “Chương trình học hiện nay còn quá nặng, tới trường chỉ học lý thuyết, vì vậy mong lãnh đạo Sở GD&ĐT, các thầy cô bổ sung thực hành, ngoại khóa”.

Đồng tình với Ngân, em Nguyễn Nhật Vy, lớp 10C1, trường THPT Thủ Đức còn cho rằng: “Học sinh hiện nay còn thiếu kĩ năng làm việc nhóm, trong khi Bộ GD&ĐT lại thay đổi quy chế thi cử liên tục khiến giáo viên và học sinh chúng em không kịp đáp ứng kịp nên rất lo lắng và hoang mang”, Vy nói.

Trong khi đó, em Đào Anh Sơn, lớp 9/10, trường THCS Lê Quý Đôn thắc mắc về việc ngày nào lên lớp cũng phải chép nhiều bài tập. “Không hiểu sao khi bài tập có trong sách mà giáo viên còn bắt học sinh chép ra vở 2- 3 lần. Tại sao không đổi hình thức chép bài bằng các hình thức khác như luyện nói”, Sơn kiến nghị.

Về môn Anh văn, em Nguyễn Võ Minh Hiếu, học sinh lớp 11 trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú cho rằng: “Chương trình học hiện nay là chưa hợp lý, nặng về ngữ pháp. Hầu hết, học sinh chúng em muốn biết và giỏi các kỹ năng khác như nghe, nói, đọc, viết thì phải ra ngoài học thêm”.

Chương trình học nặng, bạo lực học đường tăng ảnh 2

Học sinh tham gia đối thoại với lãnh đạo Sở GD&ĐT.

Còn sinh viên Lê Lưu Thanh Vân, trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM cho rằng môn Anh văn khi áp dụng cho tất cả các khối học chưa đi sâu vào việc học. “Chương trình học lặp đi lặp lại về lối văn phạm; sách giáo khoa có phần nghe, nói, đọc, viết nhưng không được luyện tập nhiều, trong khi các kì kiểm tra đều làm trách nghiệm với tất cả các kỹ năng trên”, Vân nói.

Theo Vân, việc học tiếng Anh hiện nay chủ yếu lấy bằng, chứng chỉ do áp lực chuẩn đầu ra. “Vì vậy, nếu không có sự thay đổi từ lớp nhỏ thì rất khó để học môn Anh văn có hiệu quả”, Vân nói.

Ngoài ra, em Đỗ Nguyễn Thị Thái Minh, lớp 10A1, trường THPT Phú Nhuận đề xuất nên thay đổi hình thức kiểm tra 15 phút ở một số môn trước khi vào lớp mà thay vào đó là thuyết trình trước lớp. “Hình thức này rất hay, có thể thực hiện kĩ năng làm việc nhóm, tranh luận, rèn luyện tính tự tin của học sinh”, Minh nói.

Nói về chương trình học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, chương trình ở THCS là vừa sức. “Việc truyền tải nặng hay nhẹ, nhiều ít phụ thuộc vào các giáo viên”, ông Hiếu nói.

Riêng về việc học tiếng Anh, ông Hiếu cho rằng, các bạn học sinh cần xem lại việc học của mình vì học sinh của TPHCM được đánh giá cao trong các kì thi tiếng Anh.

“Không phải 100% học sinh thành phố có năng lực tiếng Anh như mong muốn nhưng số lượng học sinh giao lưu được với bạn bè quốc tế rất lớn. Ở đây, các em phải định hướng là học không phải để thi mà để rèn luyện năng lực, có khả năng giao tiếp, nghe nói thành thạo”, ông Hiếu nói.

MỚI - NÓNG