Dư luận bức xúc không chỉ vì hành vi tổ chức đánh hội đồng của một nhóm học sinh mà còn bởi vì thái độ thờ ơ của các học sinh chứng kiến vụ việc?
Theo dõi sự việc, tôi thấy em học sinh tổ chức vụ đánh bạn này có sự lệch lạc trong phát triển nhân cách, mà sự lệch lạc ấy được diễn biến trong một thời gian dài chứ không chỉ đến lúc xảy ra sự việc mới biểu hiện. Vì thế tất cả những học sinh có mặt bị khống chế về mặt thái độ cũng là điều dễ hiểu. Để xảy ra vụ đánh nhau ngay trong nhà trường đến mức độ như thế là bằng chứng cho thấy sự thất bại của người lớn về giáo dục, ít ra là với chính ngôi trường đó.
Cùng đó, quản trị của ngôi trường có vấn đề. Về nguyên tắc, nhà trường luôn phải có bảo vệ trực 24/24 giờ. Khi học sinh có mặt tại trường là các giám thị bắt đầu phải làm việc; giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức được mạng lưới thông tin từ các học sinh để nắm bắt được tình hình trong lớp. Nhưng không một ai biết gì về việc này để kịp thời can thiệp. Đã vậy mà sự việc xảy ra gần 2 tháng, đến khi ai đó tung clip lên mạng thì nhà trường mới biết.
Nhưng người đáng trách nhất trong việc này chính là giáo viên chủ nhiệm. Khi theo dõi câu chuyện, tôi cứ tự hỏi: Phải chăng giáo viên chủ nhiệm của em V. (lớp trưởng – PV) là một người năng lực quá kém hay là người có quan điểm sư phạm sai lầm? Có hai giả định, có hoặc không. Nếu không, thì chứng tỏ thầy/cô quá yếu kém. Nếu có, chứng tỏ thầy/cô dùng phương pháp “lấy độc trị độc”, nghĩa là cho một học sinh “đầu gấu” làm thủ lĩnh, cho em đó “trị” tất cả các em còn lại để mình rảnh tay. Nếu đúng với giả định thứ hai thì giáo viên chủ nhiệm đã có một quan điểm sư phạm cực kỳ tai hại.
Lúc nãy ông có nói về nguyên nhân giáo dục đạo đức chưa ngấm vào học trò. Vậy phải làm sao để thay đổi thực tế này?
Giáo dục của chúng ta lại nặng về lý thuyết, nặng giáo điều, thầy cô giáo nhồi nhét một loạt yêu cầu với học sinh. Theo phương pháp giáo dục hiện đại, học sinh phải được trải nghiệm, phải có những tình huống, phải có những vấn đề các em tự thảo luận, rồi tự đưa ra kết luận cách ứng xử…, nhưng làm như thế thời lượng giáo dục phải mất rất nhiều thời gian. Đằng này trong một tiết học chúng ta nhồi rất nhiều vấn đề, dạy rất nhiều bài học, làm sao mà học sinh ngấm nổi!
Các nhà trường hiện cũng gặp nhiều khó khăn do giáo viên không được trang bị về tâm lý giáo dục một cách kỹ lưỡng từ trong trường sư phạm. Nhà trường cũng không có bộ phận chuyên trách để tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của các thầy cô một cách thường xuyên về lĩnh vực này. Đồng thời công tác chủ nhiệm của giáo viên hiện chưa được chú trọng, nó chỉ được xem như một việc làm thêm ngoài giờ dạy chuyên môn.
Cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT nói gì?
Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Ngũ Duy Anh: Kỷ luật cần mang tính chất răn đe, giáo dục
“Sự việc xảy ra ở Trà Vinh rất đáng tiếc, đáng tiếc hơn là hơn 2 tháng sau khi sự việc diễn ra mà nhà trường chưa biết. Điều này cho thấy nhà trường thiếu sát sao trong việc quản lý, nắm tình hình học sinh. Việc xử lý học sinh phải căn cứ các quy định hiện hành, phải có hình thức phù hợp mang tính chất răn đe, giáo dục. Trường cũng cần rút kinh nghiệm trong việc quản lí, giáo dục học sinh cũng như việc phối hợp giữa nhà trường-gia đình trong giáo dục các em ở độ tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Không cần thiết phải đuổi học
“Việc kỷ luật học sinh phải căn cứ vào các quy định, vào các yếu tố như mức độ vi phạm đến đâu, độ tuổi và các đặc điểm tâm sinh lý trong độ tuổi của học sinh… Theo tôi, UBND tỉnh Trà Vinh đã vào cuộc rất kịp thời, vì thế tôi tin Sở GD&ĐT Trà Vinh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét kỹ và thấu đáo vấn đề, có các mức kỷ luật nghiêm minh nhưng cũng đảm bảo tính giáo dục cao, để các cháu nhận ra cái sai và tiến bộ.
Theo các văn bản mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, về kỷ luật học sinh có nhiều mức, trong đó cao nhất là đuổi học. Tuy nhiên, với những trường hợp chưa đến mức độ pháp luật phải xử lý, và nhất là trong độ tuổi học sinh THCS, theo tôi, không cần thiết phải đuổi học các cháu, xử lý nghiêm nhưng cũng cần phải giữ các cháu lại để có thể tiếp tục giáo dục các cháu, giúp các cháu tiến bộ”.
Q.H