Hiện, nhiều thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương như: số liệu ngộ độc; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; các sản phẩm thực phẩm đăng ký công bố, tự công bố; các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm… được thu thập, xử lý báo cáo chủ yếu dựa trên hệ thống báo hành chính (giấy tờ). Do đó, việc xử lý dữ liệu về an toàn thực phẩm kéo dài, chưa cập nhật kịp thời và thiếu sự thống nhất.
Để phục vụ tốt hơn nữa công tác điều hành của Ban Chỉ đạo, công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương, các ý kiến tại cuộc họp đã thảo luận, xem xét, thống nhất nguyên tắc về đề xuất xây dựng và vận hành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm cập nhật theo thời gian thực từ Trung ương đến địa phương và các bộ ngành có liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Trên thực tế, hệ thống thông tin an toàn thực phẩm bước đầu được xây dựng và triển khai tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện đã thí điểm tại một số địa phương. Những bất cập trong công tác thông tin về an toàn thực phẩm ở Việt Nam là việc quản lý an toàn thực phẩm rất phức tạp với sự tham gia của hàng triệu hộ gia đình nhỏ lẻ; truyền thông kiến thức an toàn thực phẩm chưa được phổ biến rộng rãi; các cơ quan quản lý chưa gắn kết, chồng chéo; chưa tập trung vào thực hành an toàn trong sản xuất và chế biến; nguy cơ an toàn thực phẩm có thể ảnh hưởng đến các ngành kinh tế…
Hiện, công tác quản lý an toàn thực phẩm có nhiều cấp, nhiều cơ quan khác nhau, nhiều hệ thống ở cả Trung ương lẫn địa phương. Tuy nhiên, hệ thống thông tin an toàn thực phẩm không được liên thông từ địa phương lên Trung ương cũng như giữa các bộ ngành; các hệ thống thông tin liên quan (Hải quan, Hành chính công…) chưa liên thông, tích hợp; số liệu không cập nhật theo thời gian thực; chưa có hệ thống tương tác, tập huấn, tuyên truyền, thanh kiểm tra với người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, công tác giám sát, báo cáo còn thủ công; chưa có cổng tra cứu thông tin; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp còn phức tạp; chưa có kế hoạch thống nhất trong thanh kiểm tra xử lý vi phạm.
Giải pháp được nhóm xây dựng đề án đưa ra là tạo lập hệ thống thông tin báo cáo an toàn thực phẩm tập trung, duy nhất trên toàn quốc; sử dụng duy nhất 1 mã định danh cho đối tượng cần quản lý (doanh nghiệp, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn); bảo đảm nguyên tắc một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước; ứng dụng công nghệ mới, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Hệ thống này sẽ quản lý dữ liệu tập trung, cập nhật theo thời gian thực, phân loại và công bố những cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm cũng như những tổ chức, cá nhân làm tốt, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc xuất xứ và sản phẩm an toàn.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành thống nhất nguyên tắc sử dụng duy nhất hệ thống thông tin an toàn thực phẩm thay vì xây dựng các hệ thống, phần mềm riêng biệt. Hệ thống phải đáp ứng yêu cầu quy trình quản lý an toàn thực phẩm đặc thù của từng bộ ngành trên nền tảng thống nhất, đồng thời có độ mở để cộng đồng cùng tham gia.
Nhắc lại khuyến nghị được đưa ra trong nghiên cứu về an toàn thực phẩm ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đó là quản lý rủi ro bao gồm: đánh giá, nhận diện; quản lý; truyền thông về các nguy cơ an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần thiết lập hệ thống thông tin an toàn thực phẩm để công khai, minh bạch tất cả những tác nhân tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm.
"Hệ thống không chỉ thông suốt từ Trung ương tới địa phương, liên thông giữa các bộ, ngành mà phải đến từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt tới hàng triệu hộ gia đình đang sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, hệ thống cũng phải được chia sẻ cho cộng đồng tham gia làm giàu dữ liệu phục vụ quản lý, góp phần phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo cục, vụ, hệ thống trực thuộc quán triệt tinh thần cập nhật thông tin về an toàn thực phẩm trên một hệ thống duy nhất. Trước mắt, là cập nhật dữ liệu, thông tin về các sản phẩm thực phẩm đã được các tổ chức, cá nhân đăng ký từ trước, có lộ trình cụ thể với từng nhóm đối tượng.
Ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước, điểm quan trọng là phải huy động cả xã hội cùng tham gia. Ngoài những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lớn phải để người dân đến hộ kinh doanh đều có thể đưa thông tin về các loại rau, quả, thịt, cá, đồ ăn lên hệ thống và có địa chỉ rõ ràng.
Còn người tiêu dùng cũng thuận lợi chia sẻ thông tin về những loại thực phẩm, cửa hàng an toàn, phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Về lâu dài, người tiêu dùng chỉ cần mở điện thoại sẽ biết khu vực xung quanh có những quán ăn nào, loại rau mình mua trồng ở đâu.