Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an trao đổi với PV xung quanh vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Nạn nhân không có người trông coi, giám sát
Nhìn nhận về tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian qua, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết: Vừa qua, có một số vụ xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu xâm hại các bé gái. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp xâm hại tình dục đối với bé trai.
Thực tế, các trường hợp xâm hại trẻ em gây bức xúc nhất trong thời gian qua là nạn nhân đều dưới 10 tuổi. Các cháu này không có khả năng tự vệ. Đa phần các nạn nhân rơi vào trường hợp ở nhà một mình, không có người thân trông nom, quản lý, đặc biệt là vào thời gian các cháu nghỉ hè, nghỉ Tết… Một số đối tượng lợi dụng các cháu không có người trông coi để xâm hại tình dục, chủ yếu là hành vi dâm ô.
Chính vì các cháu còn nhỏ tuổi, không có khả năng tự vệ nên khi bị xâm hại thì thường không biết mình bị xâm hại. Chỉ khi người lớn phát hiện hoặc có người chứng kiến, các cháu mới kể lại.
Đặc biệt, những vụ xâm hại trẻ em gần đây thường xảy ra ở các khu chung cư, tập thể, một số vùng nông thôn, sông nước…, nơi các cháu không có người trông coi, giám sát thường xuyên. Cá biệt, có một số cháu bị bệnh thiểu năng cũng là đối tượng bị xâm hại tình dục.
Về nguyên nhân có những vụ, thời gian điều tra kéo dài, khó xử lý đối tượng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến chia sẻ: Có những vụ việc sau khi xảy ra một thời gian rồi mới bị phát hiện. Thậm chí là có những vụ các cháu bị xâm hại (dâm ô) nhưng không để lại dấu vết, chứng cứ vật chất. Hơn nữa, lời khai của các cháu chỉ có một chiều, chủ yếu chỉ có chứng cứ gián tiếp. Do vậy, có một số vụ, việc điều tra kéo dài mà cũng không kết luận được do chứng cứ không đủ.
Chỉ trừ trường hợp các cháu bị xâm hại trực tiếp như để lại dấu vết thương tích trên người, thu được tinh trùng của đối tượng… thì việc điều tra sẽ dễ dàng hơn.
Làm gì để phòng ngừa?
Để giúp phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khuyến cáo: Đối với những cháu bé, phải có người trông coi hoặc phải có bạn chơi cùng để tự các cháu quan sát, bảo vệ nhau.
Đặc biệt, đối với các bé gái thì bố mẹ, nhà trường cũng cần giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại để các bé tự bảo vệ bản thân, tránh trường hợp bị những đối tượng lớn tuổi hơn dụ dỗ, lợi dụng. Bởi có vụ việc, đối tượng chỉ cho các cháu vài đồng tiền lẻ, kẹo, bánh… là các cháu đi theo đối tượng xấu và bị xâm hại.
Đối với các bậc phụ huynh, theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, khi xảy ra sự việc thì cần lập tức đến cơ quan công an trình báo, không nên tự giải quyết theo hướng “tình cảm”. Hiện nay, có một số trường hợp, người nhà nạn nhân và đối tượng tự làm việc, tự xử lý, chỉ khi không xử lý được thì mới trình báo với cơ quan chức năng.
Ông cho biết, cũng có những trường hợp do tâm lý sợ ảnh hưởng đến tương lai của các cháu nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự giải quyết với nhau. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự việc rất khó điều tra, bởi khi đó việc truy xét dấu vết nóng là rất khó.
Đối với cơ quan điều tra, ngay sau khi tiếp nhận thông tin tố cáo thì phải có các biện pháp để điều tra, đặc biệt là củng cố lời khai, củng cố nhân chứng để truy xét đối tượng.
Về mặt tuyên truyền, báo chí cũng không nên nói nhiều đến một trường hợp cụ thể, không nên nêu đích danh tên tuổi, địa chỉ cụ thể của các cháu… Nếu nói kỹ quá sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu, đặc biệt là không nên đưa hình ảnh của các cháu, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến lưu ý.
Chính quyền cũng nên tổ chức các khu vui chơi cộng đồng lành mạnh, không để cho các cháu tự chơi một mình, dễ bị đối tượng xấu lợi dụng.
Cần nâng cao công tác điều tra cơ bản, nơi các đối tượng biến thái sinh sống để có biện pháp quản lý, tuyên truyền cá biệt, theo dõi chặt chẽ. Ở nhiều nước, họ rất chú trọng công tác phòng ngừa đối với những đối tượng có biểu hiện biến thái.
Quản lý tốt những đối tượng có biểu hiện biến thái
Trước thực tế gần đây đã có trường hợp các bé trai cũng bị lợi dụng, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến lưu ý: Đối với những trường hợp đồng tính thì trẻ em nam cũng có nguy cơ bị lợi dụng xâm hại. Đặc biệt là các cháu trai lang thang cơ nhỡ. Đối tượng bị xâm hại thường là các cháu làm nghề đánh giày, vô gia cư…
Ông cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm, tuyên truyền đối với các cháu có hoàn cảnh khó khăn, phải bươn trải làm ăn. Các cháu nam bị xâm hại thường có độ tuổi lớn hơn các cháu gái, từ 10 tuổi trở lên. Khi bị xâm hại, các cháu cũng phải chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, chịu ảnh hưởng như các cháu gái.
Về pháp luật, các tội liên quan đến xâm hại trẻ em đều đã có đầy đủ. Trẻ em ở đây là cả trẻ em nam và trẻ em nữ, nếu đối tượng xâm hại trẻ em thì dù là nam hay nữ, đều có thể xử lý. Vấn đề là chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, quản lý tốt các đối tượng có biểu hiện biến thái, không để đối tượng có điều kiện hoạt động.