Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ luôn sống trong sợ hãi

TPO - TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Các em bị xâm hại tình dục sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Trẻ sẽ cảm giác hổ thẹn, lo lắng bị phát giác mình từng bị xâm hại hay sợ hãi kịch bản kinh hoàng sẽ lặp lại khiến nạn nhân sống trong bất ổn.

Bàn về phương pháp bảo vệ con, TS tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa lời khuyên: Bố mẹ hãy trang bị một số “người vệ sĩ” cho con, đó là những người thân thiết khi con gặp tình huống khó xử hãy chia sẻ với họ. 

Đó có thể là bố mẹ, cô giáo, là những người lớn mà con tin tưởng… Hãy dặn con nếu cảm thấy bị xâm hại, hãy tuân thủ nguyên tắc: No - Go - Tell (tức là cự tuyệt - chạy đi - nói ra).

Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ luôn sống trong sợ hãi ảnh 1

TS tâm lý Trần Thành Nam.

Về quản lý xã hội, cần phải có một số khung sàng lọc và quản lý những người có tiền sử hay dấu hiệu về xâm hại tình dục. Ví dụ, ở nước ngoài, một số người có xu hướng như ấu dâm, có biểu hiện của sở thích quái đản về lạm dụng tình dục... sẽ được đưa vào khung sàng lọc tất cả những thông tin, sự kiện của những người như vậy. 

Nếu phát hiện sớm và xác định là các biểu hiện về tâm thần thì bắt điều trị bắt buộc còn nếu là hành vi cố ý cần có những biện pháp quản lý và trừng phạt. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cần yêu cầu khai báo khi đi đến bất cứ cơ quan, địa phương nào.

BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhấn mạnh, cần phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em, đừng để hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng”.  

Trẻ em hiện đang rất thiếu về kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống khi bị động chạm, sờ mó, ôm bế một cách bất thường. Chính vì thế, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị…cần biết được, hiểu được lý thuyết và kỹ năng để hỗ trợ và truyền lại cho các em.

Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ luôn sống trong sợ hãi ảnh 2

BS Nguyễn Trọng An cảnh báo về tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Theo BS An, hiện nền giáo dục Việt Nam người lớn thường ngại đụng chạm, ngại sẻ chia với con cái theo tư tưởng không “vẽ đường cho hươu chạy”. Gần đây, vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ em bắt đầu được quan tâm nhưng chưa thực sự hiệu quả. 

Sau bao nhiêu năm tranh cãi về vấn đề đưa giáo dục giới tính vào nhà trường nhưng đến nay vẫn còn e ngại, tạo nên một rào cản lớn. Trong khi đó, ở các nước hiện đại, giáo dục giới tính được đưa và ngay khi còn trong mẫu giáo, nhà trẻ. Sau giáo dục giới tính, khi các em bước vào độ tuổi dậy thì thì giáo dục tình dục dần được đưa vào giảng dạy.

“Cần có một hệ thống truyền thông thật tốt cho tất cả người dân để các bậc cha mẹ cũng như thầy cô giáo hiểu được mức độ nghiêm trọng của việc trẻ em bị xâm hại tình dục để có những nhận thức chính xác, đầy đủ để dạy dỗ con. Bên cạnh đó, cần có tài liệu đưa vào các nhà trường để có thể giáo dục giới tính cho các em từ rất sớm. Theo tôi, thời gian giáo dục giới tính cho các em nên bắt đầu ngay từ lớp nhà trẻ, mẫu giáo. Đến độ tuổi khoảng 11 tuổi trở lên có thể bắt đầu dạy về giáo dục tình dục. Tuy nhiên, mỗi một độ tuổi cần có mức độ nhất định.

Tiếp theo là mạng lưới cán bộ xã hội, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em... cần truyền thông tốt cho các bậc cha mẹ, đưa các tài liệu đến tận các nhà. Cần có sự phối hợp rộng rãi từ nhiều góc độ thì trẻ em mới có thể có được các kỹ năng tốt nhất để phòng tránh bị quấy rối hay xâm hại tình dục, bác sỹ Nguyễn Trọng An khuyến cáo”– BS An nói.

TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội đã bật khóc khi nhận tin 3 vụ trẻ bị xâm hại tình dục một ngày. 

Thông tin từ Tổ chức Nhân đạo Quốc tế từng công bố kết quả điều tra năm 2015 tại Hà Nội cho thấy, số trẻ bị xâm hại (sờ mó, sàm sỡ) chiếm tới 78,1%.

“Những con số trên được báo chí đưa ra chỉ là trường hợp xâm hại tình dục nặng nề, bị gia đình nạn nhân tố cáo” -  TS Hương cho hay.

Trẻ bị xâm hại tình dục sẽ luôn sống trong sợ hãi ảnh 3

TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội đã bật khóc khi tiếp nhận những phản ánh về xâm hại tình dục.

TS Hương cho rằng: Các em bị xâm hại tình dục sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Với đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con sợ hãi, hoảng loạn, mất niềm tin khi cơ thể bị xâm hại. Dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể và tâm lý, vết sẹo lớn mang trong người cũng khiến trẻ trở thành người khác, một con người khuyết thiếu.

Trẻ sẽ cảm giác hổ thẹn, lo lắng bị phát giác mình từng bị xâm hại hay sợ hãi kịch bản kinh hoàng sẽ lặp lại khiến nạn nhân sống trong bất ổn. Nặng nề hơn, đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An cũng cho rằng, việc bị quấy rối, xâm hại tình dục ảnh hưởng dai dẳng và nặng nề đối với người bị xâm hại tình dục nói chung và đặc biệt là trẻ em. Tất cả các hình thức sờ mó, khiêu dâm, xem phim, gạ gẫm, quan hệ... đều có thể coi là xâm hại tình dục, từ nhẹ tới nặng đều gây tổn hại đến trẻ em.

TS tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục cho biết: Hiện nay, chúng ta chưa có bức tranh đầy đủ về thủ phạm xâm hại tình dục. Thủ phạm xâm hại tình dục, không kể già hay trẻ, nam hay nữ, người có tri thức hay không. Phần lớn 85% các em bị xâm hại có biết, có thân thiết với thủ phạm. Trong khi đó, nhiều cha mẹ còn mù mờ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con.

Cũng theo TS Nam, dấu hiệu để bố mẹ nhận biết ra con đang gặp vấn đề về xâm hại tình dục thì có thể là đứa trẻ bắt đầu có những ngôn ngữ, hình vẽ mang tính chất về tình dục. Các dấu hiệu lạ về ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ, trở nên cảnh giác hơn, giấu giếm, hay giật mình, mơ ác mộng, né tránh, cảm xúc thất thường, tự nhiên đái dầm... Tất cả những điều đó cha mẹ cần lưu ý.

MỚI - NÓNG