Xác mực dài 9 mét dạt vào bờ sau trận tử chiến

Xác con mực khổng lồ nặng 105 kg, dài 9 m dạt vào bờ biển Tây Ban Nha. Ảnh: Facebook.
Xác con mực khổng lồ nặng 105 kg, dài 9 m dạt vào bờ biển Tây Ban Nha. Ảnh: Facebook.
Các nhà nghiên cứu kết luận con mực khổng lồ dạt vào bờ biển Tây Ban Nha sau cuộc chiến dữ dội với đồng loại và chết do nhiều thương tích nặng.

Xác con mực khổng lồ (Architeuthis dux) nặng 105 kg, dài 9 m dạt vào bờ biển Galicia, Tây Ban Nha, hồi đầu tháng 10 được chuyển đến tổ chức Điều phối viên Nghiên cứu và Bảo vệ Sinh vật biển (CEPESMA), theo Earth Touch News. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy sinh vật sống ở vùng nước sâu này chết do chấn thương từ cuộc giao chiến với một con mực khổng lồ khác.

"Chúng tôi chắc chắn thương tích do một con mực khác gây ra, vì chúng tôi có mẫu vật trước đây từ một cuộc tấn công khác nên có thể tiến hành so sánh", Luis Laria, chủ tịch CEPESMA cho biết.

Sau khi tin tức về xác mực khổng lồ dạt vào bờ xuất hiện trên các trang báo địa phương, nhóm nghiên cứu ở CEPESMA được thông báo một người đi biển đã chụp ảnh con mực còn sống trước đó vài ngày.

Javier Ondicol, cư dân ở thành phố Leon, bắt gặp con mực trong lúc đi dạo dọc bến cảng Galicia. "Tôi trông thấy thứ gì đó di chuyển dưới nước và bắt đầu chụp ảnh. Con vật nhìn tôi, uốn mình và đảo mắt rồi thay đổi màu sắc như đèn neon", Ondicol chia sẻ.

Ở thời điểm Ondicol chụp ảnh, con mực nhiều khả năng đã rất yếu và gần như sắp chết khi nó tiến gần vào bờ trong trạng thái mất phương hướng. Mực khổng lồ thường xuất hiện ở vùng biển Tây Ban Nha và đây là mẫu vật thứ 4 CEPESMA nhận được trong năm nay, nhưng chúng thường bơi dưới vùng nước sâu.

"Những bức ảnh chụp con mực khi còn sống rất quan trọng. Loạt ảnh hé lộ cho chúng tôi biết hành vi của mực khổng lồ mà chúng tôi chưa từng gặp", Laria giải thích.

Xác mực dài 9 mét dạt vào bờ sau trận tử chiến ảnh 1

Hình ảnh con mực lúc còn sống được Ondicol chụp lại. Ảnh: Ondicol.

Do thương tích trên mình con mực ở Galicia rất giống vết thương do xúc tu của mực khổng lồ gây ra (bao quanh bởi một vòng tròn có rãnh khía), nhóm nghiên cứu nghi ngờ vụ tấn công diễn ra ở vùng biển sâu. "Thương tích đáng sợ ảnh hưởng tới lớp màng và kéo dài đến phần mang, khiến một mắt của con mực bị phá hủy cùng nhiều bộ phận khác", Laria nói.

Con mắt còn lại của con vật vẫn nguyên vẹn, cho thấy con mực nhô lên mặt nước một cách chậm rãi sau khi bị chấn thương và mất phương hướng. Theo Laria, nếu con mực nổi lên đột ngột từ lòng biển sâu, cấu trúc mắt của nó rất khó giữ nguyên.

Việc tìm hiểu về thức ăn của mực khổng lồ khá khó khăn. Những mẫu vật với dạ dày no căng rất hiếm gặp. Loài vật này thường tiêu hóa sạch sẽ thức ăn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng mực khổng lồ thỉnh thoảng vẫn săn đồng loại.

"Mẫu vật khiến chúng tôi tự hỏi liệu kiểu ăn thịt đồng loại này có thường xuyên xảy ra hay không và vụ tấn công này là kết quả của cuộc chiến tranh giành lãnh thổ hay do nguyên nhân khác? Những con mực khổng lồ có thể tỏ ra rất hung hãn trước đồng loại", Laria chia sẻ.

Trong một nghiên cứu năm 2005, nhà sinh vật học Bruce Deagle ở Đại học Tasmania, tìm thấy những mảnh mỏ mực trong dạ dày một con mực khổng lồ mắc lưới ngư dân. Dù mảnh mỏ mực vỡ vụn rất khó nhận dạng, ADN từ chất dịch dạ dày của con vật chỉ ra các bộ phận cơ thể của một con mực khổng lồ khác đã bị tiêu hóa.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG