Xác lập vai trò kinh tế tư nhân, nghiên cứu cơ chế bảo hiến

Xác lập vai trò kinh tế tư nhân, nghiên cứu cơ chế bảo hiến
TP - Việc sửa đổi hiến pháp lần này sẽ bổ sung những vấn đề về các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bỏ vai trò chủ quản của các bộ trong hoạt động kinh tế; nên nghiên cứu cơ chế bảo vệ hiến pháp, nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước…, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, nói.

> Phải huy động tinh hoa xã hội đóng góp

Xác lập vai trò kinh tế tư nhân, nghiên cứu cơ chế bảo hiến ảnh 1
 

T.S Đinh Xuân Thảo cho biết: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (HP92) là nhu cầu khách quan, và đây là nhiệm vụ quan trọng của QH khóa XIII, sau khi được Hội nghị T.Ư 2 khóa XI nhất trí về chủ trương (7-2011).

Lấy ý kiến nhân dân trong ít nhất 6 tháng

Việc sửa đổi HP lần này cần đáp ứng những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản gì?

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy việc sửa đổi HP phải đáp ứng những yêu cầu sau: Thứ nhất, phải thể chế hóa kịp thời các quan điểm, định hướng của Đảng trong các Văn kiện tại ĐH Đảng XI, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Trước hết là quan điểm, đường lối về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN;

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng nhằm xây dựng, hoàn thiện nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp. HP92 đã thể hiện và lần này chúng ta tiếp tục thể hiện rõ hơn và coi đây là một ưu tiên.

Thứ 3, phải hoàn thiện về mặt kỹ thuật trình bày. Vì HP là văn bản chính trị pháp lý có hiệu lực cao nhất, cần có tính định hướng, ổn định lâu dài. Chúng ta tiếp tục khẳng định Đảng CSVN là đảng cầm quyền, lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, như đã được qui định tại điều 4-HP 92.

Quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (Đây là quan điểm mới trong Cương lĩnh 2011).

Cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan này cần được nghiên cứu để qui định trong HP. Đồng thời, HP phải bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân trên cơ sở thực hành dân chủ XHCN và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quyền con người là quyền thiêng liêng. Do vậy, HP 1946, sau chương thứ nhất quy định về chính thể (thể chế chính trị) là chương quy định về nghĩa vụ và quyền lợi công dân. Những bản HP ngắn gọn nhất như HP của Mỹ (1787) cũng tập trung quy định về hai vấn đề này.

Sửa đổi, bổ sung HP là sự kiện trọng đại, phải tiến hành thận trọng, khoa học, có bước đi vững chắc và bảo đảm tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình sửa đổi. Dự thảo HP sửa đổi, bổ sung được công bố công khai, lấy ý kiến nhân dân ít nhất trong vòng 6 tháng.

HP 92 mặc dù đã qua sửa đổi (2001), nhưng vẫn còn một số tranh luận đang được nghiên cứu. Việc sửa đổi HP lần này có tập trung vào những vấn đề đó không?

Trước hết, phải căn cứ vào việc tổng kết HP 92 và tổng kết thi hành một số luật có liên quan để quyết định những vấn đề cần sửa đổi. Nhưng cần lưu ý, không phải vấn đề gì thấy chưa phù hợp, hay có tranh luận là sửa, mà chỉ sửa những nội dung đã rõ, có sự thống nhất cao (giữa Đảng, nhà nước và nhân dân), hợp lòng dân. Vấn đề còn tranh cãi thì sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Cần kế thừa HP92 và kể cả những tư tưởng tiến bộ, những giá trị đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn của các bản HP trước đây. HP sửa đổi phải gắng cô đọng, khái quát cao, đảm bảo ổn định lâu dài. Nhưng cũng có những qui định về quyền và nghĩa vụ công dân, phải rất cụ thể, khả thi.

Ngoài ra, phải nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm lập pháp trên thế giới đặc biệt là qui trình, cách thức thể hiện, kỹ thuật trình bày. Trong khuôn khổ nghiên cứu, chúng tôi đã xem xét HP một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đức, Ba Lan, và HP Mỹ (HP thành văn đầu tiên trong lịch sử loài người), HP của Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Ông Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Đinh Xuân Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước

Việc sửa HP1992 sẽ tập trung vào những trọng tâm gì?

Trọng tâm là tổ chức bộ máy nhà nước. Thực tế vận hành bộ máy của chúng ta có những vướng mắc. Lần này, sau khi sửa HP sẽ sửa các Luật tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát. Thời kỳ bao cấp, các bộ quán xuyến mọi thứ, bây giờ phải bỏ vai trò chủ quản của các bộ đối với hoạt động kinh tế, để các Tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp tự chủ theo pháp luật; phân cấp cho địa phương; hay việc bỏ hay không bỏ một số cấp HĐND.

Cần làm rõ Chính phủ là cơ quan chấp hành của QH, cơ quan hành pháp hay hành chính, trên cơ sở đó xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Xác định trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; đẩy mạnh cải cách tư pháp theo hướng tổ chức lại cấp xét xử để tòa án thực sự là cơ quan xét xử độc lập.

Một vấn đề khác là chế định Chủ tịch nước: Theo qui định, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại; thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân… Nhưng cơ chế thực hiện chưa rõ, chưa có luật cụ thể hóa. Vấn đề này các chuyên gia vẫn đang tranh luận, cần nghiên cứu để có qui định phù hợp hơn.

Theo ông, có nên qui định trong HP nội dung liên quan vấn đề nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước?

Vấn đề nhất thể hóa hai chức danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đảng ta đã có bàn và đã cho thí điểm ở một số địa phương, từ cấp tỉnh đến xã. Còn ở T.Ư vẫn tiếp tục nghiên cứu. Cần có sự chuẩn bị kỹ về lộ trình, về nhân sự. Khi sửa đổi HP cũng cần có nghiên cứu về vấn đề này.

Cơ chế bảo hiến

HP sửa đổi lần này có nghiên cứu gì về cơ chế bảo vệ HP như qui định của một số nước?

Cần có qui định cơ chế về bảo vệ HP. Đây cũng là vấn đề rất mới. Tức là phải có cơ chế để xử lý những trường hợp vi phạm hiến pháp. Ở một số nước, việc này được giao cho Tòa án tối cao hoặc Tòa án HP độc lập như một nhánh quyền lực thứ tư, có nước là Ủy ban (Hội đồng) bảo vệ HP. Ở nước ta, vấn đề này đang được nghiên cứu.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu quyền phúc quyết HP (đã được quy định trong HP 46). Ý kiến của ông ra sao?

HP 46 qui định về quyền phúc quyết (quyền quyết lại) của toàn dân đối với những điều thay đổi khi HP đã được Nghị viện (Quốc hội) ưng chuẩn. Trên thế giới hiện nay có nước quy định để HP có hiệu lực thì phải phúc quyết, ngay cả việc muốn sửa đổi HP cũng phải lấy ý kiến nhân dân. Ở nước ta cũng có ý kiến nêu qui định về vấn đề này, nhưng lý lẽ chưa rõ. HP hiện hành không có qui định về phúc quyết.

Cảm ơn ông.

Tháng 8-2012 sẽ có dự thảo lần đầu

Sau khi T.Ư nhất trí chủ trương, UBTVQH sẽ trình QH khóa XIII thành lập Ủy ban sửa đổi HP (tại kỳ họp thứ nhất). Sau khi tổng kết, UB sẽ dự thảo HP sửa đổi. Nhanh nhất, đến tháng 8-2012 mới có dự thảo lần đầu, trình Bộ Chính trị, Trung ương cho ý kiến.

Đầu 2013, chỉnh sửa, lấy ý kiến nhân dân và có thể thông qua cuối 2013. Chậm hơn, trong năm 2014 phải xong. Có như vậy, đến 2016, QH khóa XIV mới có thể tổ chức theo mô hình mới theo HP sửa đổi.

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.