Tăng cường đối thoại để “hạ nhiệt” khiếu nại, tố cáo

Sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các ngành, các cấp rà soát các vụ việc đông người, phức tạp trên phạm vi cả nước.
Sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các ngành, các cấp rà soát các vụ việc đông người, phức tạp trên phạm vi cả nước.
TP - Để hạ nhiệt tình hình khiếu nại, tố cáo vốn đang diễn ra phức tạp, gay gắt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc đối thoại với người dân ngay từ cơ sở, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.

Chiều 7/11, báo cáo trước Quốc hội về tình hình khiếu nại, tố cáo, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, tuy số vụ có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

Theo ông Khái, trước tình hình trên, nhất là sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và các ngành, các cấp rà soát các vụ việc đông người, phức tạp trên phạm vi cả nước, từ đó đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm. Trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành lập danh sách 463 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật cho rằng, do còn có những bất cập của công tác quản lý nhà nước, một số chính sách, pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn... Bên cạnh đó, lãnh đạo và cán bộ có thẩm quyền ở một số cơ quan còn né tránh, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là từ cơ sở; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo cũng chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, công tác tiếp công dân có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác này là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần giải quyết các bức xúc, tâm tư của người dân ngay từ cơ sở, khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài. Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước cần tích cực chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.

Đồng tình với phân tích trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng cho rằng, việc gần dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân của cán bộ giải quyết khiếu nại tố cao có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc. “Khiếu nại tố cao đều bắt đầu từ cơ sở. Khi mới manh nha, nếu cán bộ giải quyết không sâu sát, không gần dân sẽ khiến sự việc việc trở nên phức tạp”, ông Hiểu nói. Theo ông Hiểu, hình thức đối thoại đã được đưa vào trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước nhưng trên thực tế vẫn còn rất ít nơi thực hiện. “Nhiều nơi vẫn còn tâm lý ngại đối thoại với dân, vì sợ đây là diễn đàn phê phán cán bộ. Do đó, tới đây cần chấn chỉnh việc này, có thể mới giảm được tình trạng khiếu nại, tố cáo”, ông Hiểu nói.

“Nhiều nơi vẫn còn tâm lý ngại đối thoại với dân, vì sợ đây là diễn đàn phê phán cán bộ. Do đó, tới đây cần phải chấn chỉnh việc này, có thể mới giảm được tình trạng khiếu nại, tố cáo”. 

 Ông Ngọ Duy Hiểu 

MỚI - NÓNG