Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn nhân sự mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 927 quyết nghị về việc kiện toàn Ban Thư ký Quốc hội.

Kiện toàn Ban Thư ký Quốc hội

Ngày 13/4, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Nghị quyết số 927/NQ-UBTVQH14 quyết nghị về việc kiện toàn Ban Thư ký Quốc hội.

Theo đó, Nghị quyết phê chuẩn danh sách kiện kiện toàn thành viên Ban Thư ký Quốc hội đối với chức danh Phó Tổng Thư ký Quốc hội gồm:

1- Bà Nguyễn Thuý Ngần – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội kiêm giữ chức Phó Tổng Thư ký Quốc hội (thay ông Lê Bộ Lĩnh đã nghỉ hưởng chế độ hưu theo quy định);

2- Ông Nguyễn Trường Giang  - Phó Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật của Quốc hội kiêm giữ chức Phó Tổng Thư ký Quốc hội (thay ông Hoàng Thanh Tùng đã được phân công công tác khác);

Ngoài ra, Nghị quyết cũng phê chuẩn các uỷ viên Ban Thư ký gồm:

1- Ông Nguyễn Công Long – Vụ trưởng Vụ Tư pháp (thay ông Lê Duy Quân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tư pháp đã nghỉ hưởng chế độ hưu theo quy định);

2- Ông Trần Tuấn Hinh – Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh (thay ông Nguyễn Cấn Lai, nguyên Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh đã nghỉ hưởng chế độ hưu);

3- Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (thay ông Vũ Tiến Thản, nguyên Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát đã nghỉ hưởng chế độ hưu theo quy định);

4- Ông Lê Hoàng Anh – Giám đốc Thư viện Quốc hội (thay bà Trịnh Giáng Hương, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc hội đã phân công công tác khác).

Dự phòng 2,5 ngày để cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa quyết định dự kiến chương trình phiên họp lần thứ 44  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Theo dự kiến, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khai mạc vào sáng ngày 20/4. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); cho ý kiến về việc trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Đáng lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự phòng 2,5 ngày làm việc để xem xét các nội dung nếu đủ điều kiện: dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai; dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội…

MỚI - NÓNG