Mất cân đối giữa lãnh đạo và tham mưu
Chính phủ vừa có báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Tổng hợp của Bộ Nội vụ về số lượng thứ trưởng và tương đương: Tại thời điểm tháng 8/2011 có 122 người, đến tháng 3/2016 tăng lên 135 và sang tháng 12/2016 giảm xuống còn 106.
Trong đó, một số Bộ có số lượng thứ trưởng nhiều, như Bộ Ngoại giao 7 thứ trưởng, Bộ Công an, Tài chính 6, nhiều Bộ như KH&ĐT, Công Thương, GTVT... đều có 5 thứ trưởng.
Số lượng Cục trưởng tại các Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ đến cuối tháng 12/2016 là 337, trong đó riêng Bộ Tài chính là 181, Bộ Kế hoạch Đầu tư là 63, Bộ Tư pháp là 57. Ngoài ra, số lượng Phó cục trưởng 767, Vụ trưởng 218, Phó vụ trưởng 593, Giám đốc Sở và tương đương là 1.200, Trưởng phòng và tương đương là gần 4.600...
Qua tổng hợp số lượng cấp phó trong các tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp huyện, cho thấy có sự tăng giảm khác nhau ở các giai đoạn từ trước tháng 7/2011 đến hết 2016.
Cụ thể, ở cấp thứ trưởng và tương đương có sự tăng giảm qua từng thời kỳ. Đối với cấp Phó Tổng cục trưởng và tương đương, rồi Phó Cục, Vụ trưởng thuộc bộ giảm, ngược lại ở cấp Tổng cục thì tăng dần đều. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự đối với cấp sở, huyện và tương đương.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, về cơ bản, số lượng cấp phó tại các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số thời điểm tại một số tổ chức, số lượng cấp phó có vượt so với quy định, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan trong việc sắp xếp tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ và được các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án, lộ trình giảm dần về số lượng theo quy định.
Cũng theo Bộ Nội vụ, tính đến thời điểm 31/12/2016, chỉ còn một số tổ chức có số lượng cấp phó vượt so với quy định, như: Bộ Giao thông vận tải có Cục Quản lý xây dựng đường bộ (4 phó), Cục Quản lý đường bộ cao tốc (4 phó); Bộ Công Thương có Cục Công nghiệp địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Quản lý thị trường (4 phó); Bộ Tài chính có một số vụ, đơn vị thuộc Bộ có số lượng Phó Vụ trưởng vượt quá quy định (Vụ Pháp chế: 5, một số vụ, đơn vị khác: 4)
Tương tự, số lượng phó giám đốc sở hoặc tương đương, phó phòng cấp huyện ở một số địa phương vượt quá quy định của Chính phủ, như: Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu...
Qua việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thấy, do số lượng đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan này tăng khi biên chế cơ bản giữ ổn định và thực hiện chính sách tinh giản biên chế nên số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phó phòng trở lên trong các tổ chức hành chính cao, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu.
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công Thương là 3/4, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5... Ngoài ra, tỷ lệ này cũng cao ở một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương, như: tỉnh Hà Giang là 3/4, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2...
Điểu chỉnh, sắp xếp lại một số cơ quan nhà nước có nhiệm vụ còn giao thoa, trùng lắp về quản lý nhà nước, bảo đảm liên thông về phạm vi, đối tượng quản lý. Quy định cụ thể khung số lượng đầu mối, biên chế, cấp phó và các tiêu chí thành lập tổ chức tổng cục, cục, vụ làm cơ sở để rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để giảm đầu mối, biên chế, lãnh đạo.
11 địa phương sử dụng vượt biên chế
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý) là gần 270.000 năm 2016. Có 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An.
Tình trạng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố rất khổng lồ. Cụ thể, tính đến tháng 12/2016, số cán bộ hưởng lương từ ngân sách nhà nước này là gần 1,3 triệu người, trong đó, cán bộ, công chức cấp xã chỉ hơn 234.200 người. Trong khi số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là gần 201.000, hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là hơn 837.600 người.
Vì vậy, tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (đã bao gồm bảo hiểm xã hội và tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng) là hơn 32.4000 tỷ đồng mỗi năm (Trong đó quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã là hơn 19.600 tỷ đồng mỗi năm).
Phản hồi về thông tin, Bộ Ngoại giao khẳng định, theo Luật tổ chức Chính phủ 2015, Bộ Ngoại giao có định biên 6 Thứ trưởng. Từ đó đến nay, Bộ Ngoại giao thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước có tối đa không quá 6 Thứ trưởng.
Do đặc thù yêu cầu công tác, Bộ Ngoại giao còn phải tiến cử, bổ nhiệm một số đồng chí giữ chức Thứ trưởng để đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở nước ngoài. Các đồng chí này không nằm trong số lượng Thứ trưởng trong nước và không tham gia điều hành, quản lý các công việc của Bộ. Việc đề bạt, bổ nhiệm các đồng chí này cũng đã được sự đồng ý, thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời vẫn bảo đảm quy định Bộ Ngoại giao không vượt quá 6 Thứ trưởng.