Nhớ người phụ nữ hiến hơn 5 ngàn lượng vàng cho Cách mạng

Bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ.
TP - Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, người đã hiến hơn 5 ngàn lượng vàng cho Cách mạng vừa qua đời ở tuổi 104. Cuộc đời của bà Hoàng Thị Minh Hồ là một điển hình của người phụ nữ Việt Nam yêu nước, khi Cách mạng cần đã sẵn sàng mang cả tài sản của gia đình để ủng hộ mà không cầu danh vọng…

Ấn tượng qua lần gặp đầu

Hơn chục năm trước, tôi lần đầu được gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ thông qua một người con dâu của bà. Hôm đó, chị Bùi Bạch Hồng, vợ anh Trịnh Kiểm (con trai bà Minh Hồ) mời đến nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều chơi. Bước vào sân ngôi biệt thự, tôi ngạc nhiên khi thấy bà Minh Hồ đang ngồi nghỉ tại hiên nhà. Hóa ra quen biết chị Hồng một thời gian mà chị chẳng hề cho biết mình là con dâu của gia đình ông Trịnh Văn Bô. Thấy tôi lễ phép chào, mặc dù lúc đó tuổi đã cao nhưng bà Minh Hồ vẫn gắng đứng dậy để đáp lại với tác phong thanh lịch của người phụ nữ đất Hà thành.

Hôm đó, tôi nán lại khá lâu để hầu chuyện người phụ nữ từng được ví là một “ngân hàng” của Nhà nước ta những ngày đầu thành lập. Qua câu chuyện của bà Minh Hồ, tôi được biết việc vợ chồng bà gia nhập Mặt trận Việt Minh từ năm 1944 xuất phát từ lòng yêu nước đã có từ lâu của cả gia đình hai bên. Bố của bà là cụ Hoàng Đạo Phương cùng với cụ Trịnh Văn Đường (thân sinh ông Trịnh Văn Bô) là bạn thân, cả hai từng tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục.

Sau khi hai cụ gả con cho nhau vào năm 1932, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô được gia đình giao cho ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang để mở rộng kinh doanh. Nhà 48 Hàng Ngang như hiện nay là do vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đã phá đi để xây lại. Năm 1943, trước khi mất tại 48 Hàng Ngang, cụ Trịnh Văn Đường dặn vợ chồng con trai sau này cần ủng hộ Việt Minh, ủng hộ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. “Đó là lý do khiến gia đình chúng tôi sau này một lòng đi theo Cách mạng, sẵn sàng hiến cả tài sản khi Cách mạng cần”- bà Minh Hồ chia sẻ.

Bà Minh Hồ cho biết, trong những lần được tiếp xúc với Bác, niềm vinh dự lớn nhất đối với cá nhân bà là được người đặt tên đệm. Bà kể, một lần tại nhà 48 Hàng Ngang, khi được Bác hỏi tên, bà lễ phép đáp: “Thưa Bác, cháu là Trịnh Văn Bô ạ”. Bác cười: “Trịnh Văn Bô là tên chú, Bác biết rồi. Bác muốn hỏi tên của cô”. “Dạ, cháu là Hoàng Thị Hồ”. Bác nói: “Cháu là người thông minh, tham gia việc nước, đảm đang việc nhà. Cháu nên đệm chữ Minh trước tên của mình”. Sau này, khi biết khoảng thời gian đó tại 48 Hàng Ngang, Bác đang bận rất nhiều công việc để chuẩn bị cho lễ Tuyên ngôn Độc lập, vậy mà Người vẫn quan tâm đặt thêm tên đệm cho bà là Hoàng Thị Minh Hồ khiến bà rất cảm động.

Bà Minh Hồ kể, khi Bác về nhà 48 Hàng Ngang ở, mặc dù từ đầu không được biết cụ thể Người là ai, nhưng bà mường tượng đó là một Người rất quan trọng. Vì thế, bà đã cho đầu bếp chính của gia đình về quê nghỉ một thời gian, rồi gọi một người họ hàng thật thân tín đang làm việc tại một cao lâu (hiệu ăn lớn) trên phố Hàng Buồm về thay. Tuy vậy, mỗi khi bưng cơm mời Bác, bà Minh Hồ đều bớt lại mỗi thứ một chút để cẩn thận nếm trước. Rồi bà cho biết thêm, tuy cảm nhận Bác là một người vô cùng quan trọng, nhưng trong lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, bà Minh Hồ vẫn không khỏi bất ngờ khi thấy Người xuất hiện trên Lễ đài. Khi Người hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, bà Minh Hồ đã nghẹn ngào bật khóc rồi cùng mọi người đồng thanh đáp lại lời của Bác…

Nhớ người phụ nữ hiến hơn 5 ngàn lượng vàng cho Cách mạng ảnh 1

Bà Hoàng Thị Minh Hồ  (thứ 2 bên trái sang) đang ủng hộ tại “Tuần lễ Vàng”  Ảnh: Kiến Nghĩa chụp lại.

Người phụ nữ đi qua hai thế kỷ

Được hầu chuyện bà Hoàng Thị Minh Hồ trong một buổi không hẹn trước, ấn tượng lớn nhất với tôi khi đó là tuy tuổi đã cao, nhưng bà vẫn nói chuyện linh hoạt và minh mẫn. Bà cho biết, sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập nửa tháng, Chính phủ đã phát động “Tuần lễ Vàng” kêu gọi sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đóng góp tiền và đồ vật để xây dựng đất nước. Trong ngày đầu của “Tuần lễ Vàng”, vợ chồng bà đã chuẩn bị hơn một trăm lượng vàng, rồi cùng cụ Phan Thị Ngọc (mẹ ông Trịnh Văn Bô-PV) mang ủng hộ Chính phủ. Dịp này, ông Trịnh Văn Bô cũng đưa bố vợ là cụ Hoàng Đạo Phương tới ủng hộ “Tuần lễ Vàng”.

Việc làm của gia đình ông Trịnh Văn Bô đã góp phần cổ vũ giới thương nhân ủng hộ Chính phủ trong “Tuần lễ Vàng”. Bà Minh Hồ cho biết: “Người đầu tiên nhận ra sức mạnh của giới công thương Việt Nam hồi đó là Hồ Chủ tịch. Bằng sự chân thành, Người đã phát huy những nguồn lực trong dân để xây dựng một đất nước độc lập”. Rồi bà kể thêm, sau “Tuần lễ Vàng”, Bác Hồ đã tổ chức cuộc gặp với tầng lớp công thương yêu nước tại Hà Nội, và bà Minh Hồ đã được mời tham dự. Sau khi thăm hỏi mọi người, Bác nói mình rất vui vì sự góp sức của các nhà tư sản cho nền độc lập của nước nhà. Bà Minh Hồ nhớ mãi câu ví của Bác hôm đó: “Lá cờ Việt Nam có ngôi sao vàng năm cánh, thì năm cánh sao đó cũng là năm đội quân “sĩ, nông, công, thương, binh”. Vậy một cánh sao đó là của các cô các chú, những nhà tư sản dân tộc”.

Sau cuộc gặp trên một thời gian, tôi được biết bà Hoàng Thị Minh Hồ đã chuyển về ở ngôi nhà cũ của gia đình ở 34 phố Hoàng Diệu. Và ngôi biệt thự tại phố Nguyễn Gia Thiều, nơi đại gia đình bà ở trong nhiều năm được bán đi để chia cho các con. Từ đó tôi ít có dịp được gặp bà. Vài năm gần đây, khi có chuyện cần hỏi, tôi thường được gặp ông Trịnh Lương, con trai trưởng của bà Minh Hồ để biết thông tin. Từng tham gia đội “Sói con” để ủng hộ Việt Minh từ năm 1944, ông Trịnh Lương biết và nhớ khá nhiều chuyện của gia đình. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu đến gặp, ông Trịnh Lương nói: “Mẹ tôi dạo này đã một trăm tuổi, trí nhớ giảm sút nên tôi thay mặt nói lại những điều cụ đã kể với tôi, còn những điều tôi biết chỉ chiếm một phần trong đó”. Quả vậy, trong những lần tiếp xúc sau đó, ông Lương thường nói câu “nghe mẹ tôi kể lại…”. Trước dịp 2/9 năm nay, nhớ lại điều mà bà Minh Hồ từng kể trước đó về việc may áo để Bác Hồ mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập, tôi đã đến gặp ông Trịnh Lương để biết thêm chi tiết. Hôm đó, ông Lương thừ người nhìn vào bức ảnh lớn của mẹ treo trên tường, cho biết: “Mẹ tôi dạo này yếu nhiều”. Rồi ông mở một chiếc đĩa VCD ghi lại chương trình “Cây cao bóng cả” quay cách đây 15 năm của VTV3, trong đó có đoạn bà Minh Hồ kể về việc may bộ trang phục để Bác Hồ chủ trì lễ Tuyên ngôn Độc lập. Bà Minh Hồ nói: “Ngày 27/8/1945, chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày ra mắt rồi. Tôi đã gọi ông ở hiệu may Phúc Hưng trên phố Hàng Trống đến may đo cho Bác hai bộ quần áo ka ki, áo có cổ cao. Ông Phúc Hưng giờ vẫn còn, hiện ở bên Pháp…”.

Nhớ người phụ nữ hiến hơn 5 ngàn lượng vàng cho Cách mạng ảnh 2 Vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻ.

Từ thông tin bà Minh Hồ nói, tôi đã đến phố Hàng Trống với hy vọng tìm lại được chút gì đó còn sót lại của hiệu may Phúc Hưng ngày nào. May mắn, tôi đã gặp được ông Nguyễn Phương Giực, cháu rể của ông Phúc Hưng, hiện vẫn sống trên tầng hai của một ngôi nhà trên phố Hàng Trống. Hôm đó, ông Giực ban đầu tỏ ra chẳng mấy mặn mà đối với vị khách đến mà không hẹn trước, nhưng khi nghe tôi nhắc đến bà Minh Hồ thì ông thay đổi hẳn thái độ. Ông Giực cho biết, nhiều năm qua bà Minh Hồ vẫn liên lạc với chú của mình ở bên Pháp. Sau đó, ông Giực cung cấp một số thông tin ít được biết về ông Phúc Hưng, giúp tôi hoàn thành bài viết mà mình thấy tâm đắc.

Chuyện đó diễn ra mới cách đây ít tháng mà nay tôi nhận được tin bà Minh Hồ đã đi xa. Xin được viết lại đôi dòng này, như một nén tâm hương thành kính để tưởng niệm người đã khuất, một người mà khi đất nước cần đã sẵn sàng mang tài sản của gia đình để ủng hộ mà không cầu danh vọng…

Khi nước nhà độc lập, toàn bộ ngân khố của Chính phủ chỉ có hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương, trong đó rất nhiều tờ bạc rách nát khó lưu thông. Theo các tài liệu ghi nhận, trước và sau khi thành lập nước, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Cách mạng 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương.

MỚI - NÓNG