Hôn nhân sắp đặt nhưng hạnh phúc đong đầy
Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (SN 1914, ở 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác.
Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, ông Trịnh Cần Chính (con trai thứ 6 của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ) chia sẻ, tuổi thanh xuân, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cũng như nhiều thiếu nữ Hà Nội xưa thường vấn khăn, mặc áo dài, đi guốc mộc.
Cụ có nước da trắng, mũi cao và gương mặt thanh tú. Cụ có rất nhiều chàng trai để ý. Họ hầu hết đều là công tử của các gia đình bề thế ở Hà Nội.
Năm 18 tuổi, Hoàng Thị Minh Hồ kết hôn với Trịnh Văn Bô, được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi.
Ông Trịnh Cần Chính kể: "Tiêu chí chọn con rể của ông bà ngoại tôi rất khắt khe. Ông bà muốn con rể có đức, có tài và môn đăng hộ đối. Cha tôi, Trịnh Văn Bô, là quý tử của họ Trịnh giàu có, sở hữu thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng. Nhà cha cũng ở ngay Hàng Ngang, cách nhà mẹ tôi ở Hàng Đào chỉ hơn 100m. Bố mẹ 2 bên cũng là bạn tâm giao từ lâu. Năm 1932, mẹ lên xe hoa về nhà chồng khi tròn 18 tuổi".
"Mẹ tôi kể lại, tuổi cập kê bà cũng phải lòng một chàng trai khác nhưng khi cha mẹ mối lái, sắp xếp để nên duyên với cha tôi, bà vẫn lặng lẽ gật đầu. Một cuộc hôn nhân sắp đặt vậy mà suốt những năm tháng họ chung sống, chưa một lần tôi thấy họ nặng lời với nhau" - ông Chính nói thêm.
“Đàn ông xưa năm thê bảy thiếp, cha tôi vừa đẹp trai, tri thức lại sinh ra trong gia đình giàu có nên không ít bóng hồng thầm thương trộm nhớ. Nhưng bấy nhiêu năm bên cạnh mẹ, có với nhau 7 người con, chưa một lần cha tôi làm gì có lỗi với bà" - ông Chính khẳng định.
Vẫn lời ông Chính, cha ông là quý tử trong gia đình giàu có, khi có vợ con rồi, cụ vẫn thỉnh thoảng ham mê các thú vui bên ngoài. Cụ rất thích chơi cá ngựa, mạt chược. Nhiều lần cha mê quá, mẹ ông cũng bực mình và giận. Bà không nói nặng lời, không chì chiết mà chỉ thực hiện "chiến tranh lạnh", không nói năng gì khiến cha ông vô cùng lo lắng.
Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lao động không một ngày ngưng nghỉ, góp phần đưa sản nghiệp của nhà chồng lên đến một đỉnh cao hiếm có.
Khối tài sản khổng lồ và cống hiến lớn cho đất nước
Sau khi được thừa kế thương hiệu vải Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang với số vốn ban đầu là 30 ngàn đồng Đông Dương, bằng tài năng bẩm sinh của mình, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã lao động không ngưng nghỉ để cùng chồng phát triển sự nghiệp
Cuộc sống hôn nhân êm ấm là vậy, nhưng điều khiến nhiều người ngưỡng mộ về vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ hơn đó là khả năng kinh doanh đưa sản nghiệp và thương hiệu tơ lụa Phúc Lợi đến một đỉnh cao hiếm có.
Ông Trịnh Cần Chính kể: "Bố mẹ tôi lao động rất vất vả. Sau một ngày mệt nhọc, xong bữa cơm người ta được nghỉ ngơi thì bố mẹ tôi vẫn mải miết lo các đơn hàng. Những ngày lễ Tết, người ta thảnh thơi nhưng một tháng Tết nhà tôi có tới 30 người làm cả đêm lẫn ngày.
Ban đầu từ các hợp đồng trong nước từ Yên Bái, Lào Cai..., cha mẹ tôi vươn ra thị trường nước ngoài. Họ làm ăn giao dịch với các nước Châu Á như Ấn Độ, các nước Châu Âu như Pháp, Anh. Mẹ tôi đảm đang, nhanh nhẹn phụ trách phần giao dịch, cha tôi học rộng biết nhiều tiếng (Anh, Pháp), ông làm thông ngôn (phiên dịch) cho bà".
Theo lời ông Chính, ở thời điểm bố mẹ ông kinh doanh, ở nhà ông, kho lụa chất cao như núi, gia nhân lúc nào cũng nườm nượp để phục vụ cho gia đình và công việc buôn bán lụa.
Họ giàu có đến mức: "Cha mẹ tôi đi đâu cũng có xe đưa rước. Trong nhà nườm nượp gia nhân, giúp việc. Mỗi người con trong gia đình đều có một vú em lo lắng bữa ăn, giấc ngủ" - ông Chính nói.
Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô cùng mẹ tham dự Tuần lễ vàng năm 1945, ủng hộ 5.147 lượng vàng cho Chính phủ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Dù có điều kiện để ăn ngon mặc đẹp, hưởng thụ lối sống xa hoa của xã hội đương thời nhưng hai vợ chồng doanh nhân luôn quan niệm: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7 đồng, còn đâu giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức".
Nạn đói năm 1945, vợ chồng doanh nhân cũng kịp thời mang mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo, phát cho người đói, nhờ thế mà nhiều người thoát chết trong gang tấc.
Sau đó, hưởng ứng "Tuần lễ vàng" năm 1945 do Chính phủ phát động, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, trong khi ngân khố quốc gia lúc đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, đa phần lại rách nát, không thể tiêu dùng được.
Ngoài ra, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Ông Trịnh Cần Chính còn nói: “Mẹ tôi từng kể, mùa đông năm 1956 trời rét cắt da cắt thịt, bà đi sang Đình Bảng - Chợ Giàu, thấy mình mặc áo len ấm áp mà trẻ con chỉ có manh áo mỏng, trần truồng, môi tím tái vì rét. Bà quyết định về may áo mang đi phát cho các cháu bé”.
Ông Trịnh Cần Chính chia sẻ: "Mẹ tôi thường xuyên dạy các con về tấm lòng hướng thiện". Ảnh: Diệu Bình
Trong gia đình, vợ chồng doanh nhân giàu có cũng khiến các gia nhân phải nể phục và yêu quý. Nhiều gia đình giàu có cư xử với gia nhân rất khắt khe nhưng vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô chưa bao giờ to tiếng quở trách gia nhân một lời.
Gia đình gia nhân nào khó khăn, cuối năm ngoài tiền lương, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn thưởng thêm tiền để họ về ăn Tết với gia đình… Chính vì thế, trong cửa hiệu của gia đình giàu có này chưa bao giờ có chuyện gia nhân ăn bớt tiền hay ăn cắp vải mang đi bán.