Ngang nhiên phá rừng thông, bán đất

Nhiều bảng quảng cáo bán đất tại rừng thông bị cưa hạ
Nhiều bảng quảng cáo bán đất tại rừng thông bị cưa hạ
TP - Công an huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm các vụ hủy hoại rừng trên những đồi thông ven quốc lộ (QL) 27, trương bảng quảng cáo bán đất ngay trên những gốc thông bị cưa hạ.

Tàn phá rừng thông

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi leo lên 3 ngọn đồi ở tiểu khu 216 (thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông), lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Phi Liêng quản lý bảo vệ. Khu đồi này nằm cạnh QL 27 (nối Lâm Đồng với Đắk Lắk), cách khu dân cư không xa nhưng bị tàn phá nặng nề như ở chốn không người. 

Cả trăm cây thông có đường kính gốc từ 10cm - 60cm, cao hàng chục mét bị đốn ngã nằm ngổn ngang, bị cắt khúc mang đi hoặc đốt cháy để phi tang, trong đó có hàng chục cây mới bị cưa hạ còn ứa nhựa. Có ngọn đồi bị vạt trọc, chỉ còn trơ lại hàng chục gốc thông. Cạnh những gốc cây này, nhiều hố đất được múc xuống để trồng cà phê, mắc ca…, trong đó có những cây cao hơn 1 m, cành lá xanh tươi. 

Lâm tặc còn dùng thủ đoạn đục lỗ trên thân cây rồi đổ hóa chất vào khiến thông chết hàng loạt. Tại lô a, khoảnh 5, tiếp giáp với QL 27 có 203 cây thông hàng chục năm tuổi bị ken chết, trữ lượng gỗ bị thiệt hại ước tính hàng chục mét khối. Hiện số cây này đã bị chết khô. Ngay trên những thân cây bị đầu độc, cưa hạ xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo rao bán đất, vườn cà phê. 

Người dân địa phương bức xúc phản ánh băng nhóm phá rừng hoạt động thường xuyên, có tổ chức (phân công nhau canh gác, cảnh giới, xẻ gỗ, vận chuyển, mua bán…) với mục đích sâu xa là lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng bởi các ngọn đồi này có mặt tiền hướng ra QL 27, kế cận khu dân cư. 

Đối với quả đồi đang trồng mắc ca nói trên, ông Trần Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã Phi Liêng, cho hay vào khoảng năm 2018, khi còn làm Trưởng công an xã, ông có tham gia đoàn cưỡng chế giải tỏa đất rừng do cặp vợ chồng Nguyễn Nho Long - Hà Thị Tỏa lấn chiếm để giao lại cho Ban QLRPH Phi Liêng trồng lại rừng. Thế nhưng không rõ vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện. Theo ông Sơn, tiểu khu 216 là điểm nóng phá rừng diễn ra trong thời gian dài. Các lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc điều tra nhưng chưa xử lý dứt điểm.

Cán bộ quản lý rừng thiếu trách nhiệm

Sau khi ghi nhận hiện trường, chúng tôi đã liên hệ với Ban QLRPH Phi Liêng, Ban lâm nghiệp xã... để tìm hiểu nguyên nhân rừng bị hủy hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, hầu như không thể tiếp cận với những cán bộ có trách nhiệm. Tại UBND huyện Đam Rông, sau khi xem những hình ảnh mà phóng viên ghi lại, ông Đặng Đình Túc (Chánh văn phòng) hết sức ngạc nhiên vì chưa được cơ quan chức năng báo cáo.

Ngày 20/2, UBND huyện Đam Rông cùng ban ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra tại hiện trường, xác nhận tổng diện tích đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm tại khu vực nói trên là 8.100m2, trong đó có 600m2 bị san múc trái phép, 2.200m2 có cây bị cưa hạ hoặc đầu độc chết, 5.300m2 bị lấn chiếm trồng mắc ca, mít. Từ năm 2017 đến nay, tại khu vực này xảy ra 8 vụ vi phạm về đất đai và lâm nghiệp, nhưng mới có 2 vụ xác định được đối tượng vi phạm.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, Ban Lâm nghiệp xã cho rằng các đối tượng vi phạm càng lúc càng tinh vi hơn, hoạt động chủ yếu vào sáng sớm hoặc đêm khuya, dịp cuối tuần, lễ, Tết nên khó phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, Ban cũng thừa nhận cán bộ chưa được kịp thời kiện toàn, thiếu chuyên môn, chưa đúng thành phần; việc tuần tra, kiểm tra rừng chưa được tiến hành thường xuyên; đặc biệt, cán bộ quản lý TK 216 (thuộc Ban QLRPH Phi Liêng) thiếu tinh thần trách nhiệm.

Lâm nghiệp xã Phi Liêng đề nghị UBND huyện Đam Rông chỉ đạo Ban QLRPH Phi Liêng có hình thức xử lý một số cán bộ quản lý tiểu khu như 210b, 211 và đặc biệt là 216 vì thiếu tinh thần trách nhiệm, thường xuyên để xảy ra các vụ khai thác rừng mà không phát hiện hoặc phát hiện mà không kịp thời lập biên bản ban đầu để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.


Người dân địa phương bức xúc phản ánh băng nhóm phá rừng hoạt động thường xuyên, có tổ chức (phân công nhau canh gác, cảnh giới, xẻ gỗ, vận chuyển, mua bán…) với mục đích sâu xa là lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp hoặc sang nhượng bởi các ngọn đồi này có mặt tiền hướng ra QL 27, kế cận khu dân cư. 



MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.