Một ngày làm nhân viên Bình Nhưỡng quán giữa Hà Nội

Nhà hàng Bình Nhưỡng trên phố Nguyễn Thị Định. Ảnh: Minh Đức
Nhà hàng Bình Nhưỡng trên phố Nguyễn Thị Định. Ảnh: Minh Đức
TPO - Nhà hàng Bình Nhưỡng tồn tại ở số 28 Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy, Hà Nội khoảng chục năm nay, song khá ít người dân biết đến những nét độc đáo của nhà hàng. CTV báo Tiền Phong có một ngày "nhập vai" làm nhân viên nhà hàng.

Cơ hội trải nghiệm

Phố Nguyễn Thị Định (Cầy Giấy) được người dân thủ đô biết tới với hàng loạt nhà hàng, quán ăn được treo biển song ngữ Hàn - Việt và được coi là phố ẩm thực Hàn Quốc giữa Hà Nội. Ít người hình dung ra một nhà hàng Bình Nhưỡng (Triều Tiên) nằm xen kẽ hàng loạt nhà hàng của người Hàn Quốc.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Bình Nhưỡng Quán đã hoạt động hơn 10 năm nay, chủ và nhân viên chạy bàn đều là người Triều Tiên. Đây là một trong khoảng 130 nhà hàng của Triều Tiên trên thế giới.

Một ngày làm nhân viên Bình Nhưỡng quán giữa Hà Nội ảnh 1 Món ăn tại nhà hàng Bình Nhưỡng. Ảnh: Thu Hằng

Đặc biệt, thời điểm ông Chủ tịch Triều Tiên  Kim Jong Un chuẩn bị sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, lượng khách đến nhà hàng cũng tăng lên. Chính vì thế, nhà hàng Bình Nhưỡng ra thông báo tuyển nhân viên người Việt. Đây là cơ hội để chúng tôi được trải nghiệm tại nhà hàng này.

Ngày 25/2, chúng tôi vào vai sinh viên xin việc làm thêm tại Bình Nhưỡng quán. Trước đó, ngày 22/2, chúng tôi có gặp một người đàn ông tên Trung, quản lý nhà hàng. Anh khá bất ngờ khi thấy tôi quá nữ tính không phù hợp với công việc phục vụ. Theo như anh nói, tôi sẽ làm việc từ 18 giờ đến 22h30, lương 70 nghìn/ca.

Công việc của tôi là bưng bê đồ ăn, tôi không được tiếp xúc với khách vì phục vụ là những người Triều Tiên, đầu bếp cũng là người Triều Tiên. 

 Tại Bình Nhưỡng quán chỉ có 3 người như tôi là người Việt, còn lại đều là người Triều Tiên. 

Đúng giờ hẹn, 18 giờ ngày 25/2/2019, tôi đến thử việc. Ngoài trời lạnh căm, tôi mặc chiếc áo len mà vẫn rét nhưng khi được anh Trung dẫn xuống bếp. Tại đây, tôi bất ngờ thấy các bạn người Việt đều mặc áo cộc và không có đồng phục, trong khi đó đầu bếp và nhân viên phục vụ bàn đều ăn mặc rất đẹp. 

Một ngày làm nhân viên Bình Nhưỡng quán giữa Hà Nội ảnh 2 Nhiều món ăn độc đáo tại nhà hàng Binh Nhưỡng.

Việc đầu tiên tôi làm là nạo củ cải, múc nước canh lọc qua khoảng chục lớp vải cho nước trong không có cặn, điều này thật lạ vì họ làm vậy rất tỉ mỉ. Tất cả đồ ăn họ đều cho vào khay và có nắp đậy.

Món đầu tiên tôi được học là món khai vị gồm 5 đĩa chế biến chủ yếu từ kimchi là bibachan. Cũng như tôi, các bạn Việt Nam đều không biết tên món ăn vì tất cả đều đọc bằng tiếng Triều Tiên. 

Một đồng nghiệp tại nhà hàng tiết lộ: “Khách ở đây chủ yếu người Hàn Quốc, người Việt cũng có nhưng rất ít”. Những người đầu bếp Triều Tiên rất đáng mến và thân thiện, họ luôn miệng học đọc đúng tên tôi, họ thường đút cho tôi ăn một vài món rất lạ, rất ngon, họ hay cười, hay nói. 

Đồ ăn cũng rất đa dạng, nổi tiếng là món thịt bò nướng. Có món trứng hấp phồng lên như bánh bông lan tôi thấy khách rất ưa chuộng. Rồi món mì lạnh, mực chiên... Mỗi lần tôi làm chưa đúng, anh đầu bếp đều hướng dẫn lại và nói “không sao”. 

 Các bạn nhân viên phục vụ bàn cao ráo, xinh xắn, chỉ tầm trên dưới 20 tuổi, thường hỏi tôi “có mệt không”, “có nặng không”. Thậm chí, có bạn nói Tiếng Việt rất giỏi. Ngoài việc phục vụ bàn, các bạn giỏi ca hát, nhảy múa, chơi đàn. Quán khá đông khách, và thường đôg nhất vào thứ Bảy. 

Một ngày làm nhân viên Bình Nhưỡng quán giữa Hà Nội ảnh 3 Rượu của người Triều Tiền thường được hâm nóng trước khi uống.

Tầm 20h hằng ngày, tiếng nhạc nhộn nhịp vang lên, tiếng hát của người Bình Nhưỡng với những âm thanh, đàn trống sôi động cả căn phòng tầng 2.

Tôi phải làm việc không ngừng nghỉ, không được dùng điện thoại. Có lẽ tôi phải chạy đến cả trăm vòng từ tầng hầm lên tầng 2. Những lần bê đồ tay muốn rời khỏi cái khay vì nặng nhưng tôi vẫn cố gắng. Mồ hôi chảy ướt mặt, mấy chị đầu bếp bật quạt bảo tôi đứng nghỉ...

Học cách tiết kiệm thức ăn

Một điều quan trọng tôi muốn nhắn gửi sau chuyến trải nghiệm của tôi là về đồ ăn thừa và cách tiết kiệm đồ ăn.

Một ngày làm nhân viên Bình Nhưỡng quán giữa Hà Nội ảnh 4 Món Kim Chi được khách hàng yêu thích.

Khi đi ăn nhà hàng hay quán ăn, hầu như chúng ta, nhất là người Việt không có thói quen ăn hết đồ của mình. Trong khi đó, anh bạn tôi từ Nhật trở về thường nói với tôi: “Ăn hết đồ ăn mình gọi là tôn trọng người làm ra nó”. 

Nhưng mặt khác, việc bạn để lại đồ ăn, nhà hàng sẽ tận dụng. Đầu bếp yêu cầu tôi lấy lại hoa trang trí, kim chi còn thừa nhiều, và đôi khi cả thức ăn. 

Thức ăn thì cho nhân viên ăn buổi tối, ví dụ như khoai tây sợi để trang trí cho món tôm chiên tôi nỡ đổ đi thì anh đầu bếp yêu cầu giữ lại để trang trí cho lần tới hay, hoa thì để lại trang trí vì hoa lan nên khá đắt đỏ, còn kim chi thì để lại tủ lạnh. 

Tất nhiên, những đồ ăn còn lại đều rất sach sẽ. Song tôi nghĩ, anh bạn tôi vẫn có phần đúng là nên ăn hết đồ ăn mình gọi.

Một ngày làm nhân viên Bình Nhưỡng quán giữa Hà Nội ảnh 5 Bình Nhưỡng quán khá nhộn nhịp vào những buổi tối. Ảnh: Thu Hằng

Hết giờ, tôi lên tầng 2 chấm công và nhanh tay giở mấy trang trong quyển menu, thì ra món ăn được dịch ra cả Tiếng Anh và Tiếng Việt. Thế nhưng, nhân viên người Việt lại hoàn toàn không được học menu về món ăn. Mọi người nói tôi ở lại ăn tối nhưng tôi viện lý do về sớm. Tôi lâng lâng cảm giác về con người và món ăn Triều Tiên.

Bốn tiếng ngắn ngủi làm việc với một nhà hàng thu nhỏ Triều Tiên giữa lòng Hà Nội, tiếp xúc với những người Triều Tiên, tôi cảm nhận đất nước ấy, con người nơi ấy thật dễ mến và thân thiện.
MỚI - NÓNG