Chiều 7/11, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: “Theo đánh giá của Bộ trưởng, các lớp trung cấp chính trị đang triển khai khắp nơi có thực sự nâng cao được chất lượng, trình độ hiểu biết chính trị, niềm tin của các cán bộ, viên chức vào hệ thống của chúng ta hay không?”.
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Võ Thị Như Hoa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, từ một chuyên viên đến khi được bổ nhiệm vào chức vụ phó giám đốc, giám đốc sở, công chức phải trải qua các lớp bồi dưỡng như quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, lý luận chính trị trung cấp, cao cấp...
“Nhiều cử tri đặt dấu hỏi có hay không chính sách đào tạo bồi dưỡng phân tán theo tiêu chuẩn, trùng lặp nội dung như hiện nay là để nuôi các cơ sở đào tạo. Nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có thể chỉ đạo, tổng rà soát để tích hợp các lớp đào tạo bồi dưỡng nói trên nhằm tiết kiệm thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước chi trả cho các lớp bồi dưỡng này hay không?”, bà Hoa đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Vấn đề đại biểu đặt ra là nâng cao phần lý luận chính trị trung cấp. Phần này, tôi sẽ báo cáo lại đồng chí Trưởng Ban Tổ chức T.Ư để có đánh giá về đào tạo lý luận chính trị trong thời gian qua. Được biết, hiện nay Bộ Chính trị cũng đã quy định thống nhất cơ sở đào tạo lý luận chính trị chỉ cho phép một số nơi, trong đó có trường chính trị, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đối với các trường của quân đội, công an”.
Bộ trưởng Tân cũng cho rằng, trước đây có rất nhiều trường đào tạo, cấp văn bằng chứng chỉ này. Theo ông Tân, trong thời gian tới, sẽ phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là lý luận chính trị phù hợp với từng vị trí việc làm.
Về câu hỏi của đại biểu Võ Thị Như Hoa, có hay không tình trạng học quá nhiều văn bằng chứng chỉ để cho các cơ sở đào tạo có nguồn thu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Ý kiến này đúng một phần, nhưng nói chung mục đích của việc văn bằng, chứng chỉ là tuân theo quy định của Đảng, Nhà nước trong Tiêu chuẩn 89, 90.
“Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức T.Ư không hề đặt ra tiêu chuẩn gì ngoài quy định của Đảng và Nhà nước. Nhưng bây giờ chứng chỉ nào phải thi, chứng chỉ nào phải bồi dưỡng, chứng chỉ nào đi học sau khi bổ nhiệm, chứng chỉ nào phải có trước khi bổ nhiệm thì đây là vấn đề phải bàn”, ông Tân nói thêm.
Ông Tân cho biết, sẽ nghiên cứu, chia ra các tiêu chuẩn khi đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch, tuyển dụng.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu để giảm tối đa thủ tục. Như sáng nay có nói là lần này chỉnh sửa các nghị định, cụ thể hóa các luật thì Bộ Nội vụ cũng sẽ bám chặt ý kiến chỉ đạo của Ban Tổ chức T.Ư, không phát sinh thêm bất cứ một thủ tục nào trong vấn đề công tác bổ nhiệm cán bộ”, ông Tân nói.
Theo ông Tân, vấn đề bồi dưỡng là chuyện thường xuyên. “Đây cũng không phải là chuyện càng cho đi học để các cơ sở có nguồn thu. Tất nhiên các cơ sở có nguồn thu để tự chủ nhưng phải kiểm soát về nội dung, chương trình, về mức thu và phải đào tạo theo kế hoạch đặt hàng của Nhà nước, chứ không phải trường đào tạo bồi dưỡng muốn thu bao nhiêu thì thu, muốn dạy cái gì thì dạy để lấy tiền”, ông Tân nói thêm.