Tất cả chỉ vì: Người dân không có quyền lựa chọn cho con đường BOT độc đạo - vốn trước đây được xây dựng bằng tiền thuế của dân - trong khi phải trả phí quá cao cho đoạn đường mà họ lăn bánh. Thậm chí làm đường ở chỗ này nhưng lại lập trạm thu phí ở chỗ khác.
Ấy vậy mà bỗng dưng một ngày, đồng loạt các biển hiệu “Trạm thu phí BOT” được đổi thành một cái tên vô cùng lạ lẫm và ngô nghê , chưa từng có trong từ điển tiếng Việt, “Trạm thu giá BOT”. Về logic, không ai có thể thu được giá, bởi giá là một khái niệm chỉ giá trị của một hàng hóa, dịch vụ, thường được biểu hiện bằng tiền nhưng không gắn với một đồng tiền cụ thể nào. Giá trong cơ chế thị trường không cố định mà lên xuống theo quy luật cung - cầu. Trong khi, “phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công” (định nghĩa về phí trong Luật phí và lệ phí). Như vậy thu phí tức là thu một khoản tiền rất cụ thể, chứ chẳng ai lập trạm để đi thu một khái niệm được “biểu hiện bằng tiền” cả.
Nhưng điều mà công luận quan tâm hơn rất nhiều, không phải là ngữ nghĩa tiếng Việt của cái biển hiệu “Trạm thu giá BOT” kia, mà là nội hàm bên trong theo luật định của các trạm BOT, thứ đang hiện diện với mật độ dày đặc trên toàn hệ thống giao thông đường bộ nước nhà.
Theo giải thích của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: “Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí thì mang tính chất Nhà nước”; “Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn”. Vâng, tất cả vấn đề nằm ở hai từ “linh động” này: Nếu các trạm BOT theo Luật phí, khi muốn tăng phí phải thông qua HĐND hoặc Bộ Tài Chính. Nay nếu trạm BOT theo Luật giá mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều, Bộ GTVT và doanh nghiệp có toàn quyền quyết định!
Liệu các dự án BOT đường bộ có phải chỉ đơn thuần là một sản phẩm của doanh nghiệp, hay là một dịch vụ công dưới hình thức liên kết công - tư PPP (Public Privite Partnership)? Chắc chắn BOT không thể là một sản phẩm thuộc sở hữu của doanh nghiệp được, bởi không có doanh nghiệp nào được cấp sổ đỏ để làm đường cả, hết thời gian thu hồi vốn phải chuyển giao cho nhà nước, chưa kể nhiều con đường BOT thực chất làm trên “lõi” của đường quốc lộ vốn có.
Như vậy, các dự án BOT đường bộ, về bản chất vẫn phải coi là một dịch vụ công có liên kết công tư, do Bộ GTVT thay mặt người dân đứng ra ký hợp đồng có thời hạn với doanh nghiệp. Bởi thế, không ai khác, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải đứng về phía lợi ích của người dân, chứ không phải đứng giữa hay đứng về phía doanh nghiệp được. Liệu có thể coi các trạm BOT thuộc phạm trù điều chỉnh của Luật giá, tức cho doanh nghiệp có quyền định giá? Và phần thua thiệt sẽ thuộc về phía người dân?
Đến đây một câu hỏi buộc phải đặt ra, vì sao Bộ GTVT lại mau mắn chuyển đổi hàng loạt các “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT”? Sự chuyển đổi này nhằm mục đích gì và có lợi cho ai? Người dân, doanh nghiệp hay Bộ GTVT?