Hà Nội: Đóng cửa 52 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trong một tháng

Hà Nội: Đóng cửa 52 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trong một tháng
TPO - Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đóng cửa 52 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP; xử phạt vi phạm hành chính 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng; tiêu hủy sản phẩm của 133 cơ sở.

Báo cáo tại hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng hành động, toàn thành phố đã thành lập 699 đoàn thanh, kiểm tra.

Kết quả sau kiểm tra 18.989 cơ sở, có 15.501 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 81,6%), 2.853 cơ sở vi phạm; đóng cửa 52 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP; xử phạt vi phạm hành chính 1.251 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỉ đồng; tiêu hủy sản phẩm của 133 cơ sở.

Để tăng cường xử lý những vi phạm này, Hà Nội cũng đang chuẩn bị triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP bắt đầu từ 10/7/2019 đến 10/7/2020 tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, lực lượng được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn khoảng 3.340 người, trong đó tuyến quận, huyện khoảng 210 người và 3.130 người tuyến xã, phường. 

Về công tác triển khai mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đánh giá, ở tuyến xã, phường vẫn nặng tư tưởng "tình làng nghĩa xóm" nên việc xử phạt còn nghiêng về nhắc nhở, do đó, cần sớm khắc phục.

Ông Sửu đề nghị, tại các quận, huyện, xã, phường, không thể để thiếu cán bộ thanh tra. Riêng tuyến phường, phải bảo đảm 4 cán bộ thanh tra/phường. Thêm vào đó, công tác đào tạo chuyên môn cho lực lượng này cũng phải được tăng cường. Để công tác thanh tra mang lại hiệu quả, đạt chất lượng, cần bảo đảm đủ người có chuyên môn, trình độ.

Kiểm soát từ “gốc” là khâu quan trọng trong quy trình giám sát ATTP. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả… Kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản... Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, ATTP theo đúng quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG