Ngày 7/3, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cho biết, ổ dịch mới nhất của Thủ đô được phát trên đàn lợn gần 30 con ở huyện Gia Lâm.
Trước đó, ngày 5/3 ổ dịch tả phát hiện tại một hộ gia đình ở khu 6, xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) với tổng đàn 10 con lợn bị ốm, chết. Huyện đã xử lý tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 10 con bằng biện pháp chôn.
Tiếp đó, ngày 6/3, một ổ dịch ASF khác cũng được phát hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Chung ở số 6, ngõ 203, tổ 36 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Hộ gia đình này nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, với tổng đàn gần 50 con, trong đó một số con bị ốm, chết.
Quận Hoàng Mai cũng đã chỉ đạo chôn tiêu hủy toàn bộ đàn lợn trên. Qua xác minh, nguyên nhân chính đàn lợn mắc bệnh có thể do việc sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, bếp ăn tập thể, khi sử dụng không được nấu chín.
Đối vối ổ dịch đầu tiên trên đàn lợn rừng 25 con (tiêu hủy ngày 25/2) của hộ ông Nguyễn Thái Sơn, khu vực Đầm Nấm (phường Ngọc Thụy, Long Biên), hiện vẫn chưa phát hiện thêm dịch lây lan sang đàn lợn nào trong khu vực có dịch.
Cũng trong ngày 7/3, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức diễn tập phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện thành phố có tổng đàn lợn khoảng 2 triệu con, trong đó nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 60%, tiếp giáp với 8 tỉnh thành có trục lộ vào thành phố, nên nguy cơ dịch lây lan rất cao.
Đáng lo ngại, Hà Nội có gần 1.000 cơ sở, điểm giết mổ (chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp) và nhiều cơ sở giết mổ trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Đáng lưu ý, cơ sở lớn nhất là Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1.800-2.000 con (trong đó 60% nhập từ địa phương khác về).
Thành phố cũng thành lập 5 đoàn đoàn kiểm tra, tăng giám sát ở cửa ngõ giao thông vào Thành phố, cơ sở chăn nuôi, giết mổ.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang áp dụng hỗ trợ cho hộ dân có lợn mắc dịch bị tiêu hủy là 38.000 đồng/kg, không để người dân bán chạy, hoặc vứt xác lợn ra các sông, kênh mương.
Ông Sửu cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai, quán triệt tốt “5 không” trong ứng phó với bệnh dịch đến từng thôn, xã. Các Bí thư, Chủ tịch các địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Quận, huyện nào để xảy ra tình trạng người dân ném lợn chết ra sông thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố.