PV: Bà đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lan xuống phía Nam?
- Bà Phạm Khánh Phong Lan, dịch tả lợn châu Phi tính đến nay cả nước đã có 9 tỉnh ghi nhận có ổ dịch. TPHCM và các tỉnh phía Nam may mắn chưa phát hiện có dịch. Tuy nhiên, hiện nay giao thông thuận tiện, thông thương dễ và theo tình hình thị trường hiện nay giá lợn ở miền Bắc đang giảm do dịch bệnh xảy ra. Trong khi đó, giá lợn ở miền Nam đang cao nên có xu hướng dịch chuyển lợn miền Bắc sẽ có xu hướng xuôi vào Nam. Như vậy sẽ dễ gây lây lan dịch bệnh.
TPHCM hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào có lợn bị dịch tả. Tôi nhắc lại, đây chỉ là “chưa” thôi chứ nguy cơ thì vẫn có, nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ lây dịch rất cao.
Những ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là gì, thưa bà?
- Đặc tính của virus dịch tả lợn Châu Phi tồn tại rất lâu trên con lợn, kể cả khi lợn đã lành bệnh. Thông thường khi lợn bị bệnh này sẽ chết. Điều may mắn là virus tả này không lây qua người, còn nếu lây qua người thì không biết sẽ nguy hiểm đến mức nào.
Tuy nhiên, do tỷ lệ làm chết lợn cao nên nguy cơ gây thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Thử tưởng tượng xem bao nhiêu hộ chăn nuôi lợn, mấy triệu con lợn ở mình mà nếu cứ lây lan kiểu này thì thiệt hại kinh tế biết là bao nhiêu.
Cái nguy hiểm tiếp theo là khi lợn chết, nếu chúng ta không kịp thời phát hiện mà tiêu huỷ, cô lập vùng dịch mà để người dân tự xoay xở, đặc biệt là một số người tiếc của nên có thể tìm mọi biện pháp để bán. Khi lợn chết đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng. Lợn đưa ra thị trường phải là heo sống, khỏe mạnh; chứ còn chết do dịch bệnh thì sẽ sinh ra nhiều virus khác, tạo ra nhiều mầm bệnh khác.
Tôi khẳng định là dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người, nhiều người nhầm cho rằng ăn lợn mắc dịch này sẽ gây dịch tả cho người là không đúng. Virus này chỉ gây xuất huyết cho lợn đi kèm với tả. Bệnh này có nguồn gốc từ châu Phi nên gọi là dịch tả lợn châu Phi.
Dịch tả lợn châu Phi thường lây lan theo cách thức như thế nào?
Virus này tồn tại rất lâu, có thể tồn tại 1.000 ngày trong điều kiện thịt đông lạnh, nếu ra nhiệt độ từ 60 độ C trở lên trong vòng 2 giờ đồng hồ thì virus này sẽ chết. Tuy nhiên, thực tế virut này có thể tồn tại trong thịt nguội, pate, xúc xích… dù không lây bệnh nhưng nó tồn tại như vậy sẽ có nguy cơ truyền bệnh. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển lợn từ miền Bắc vào Nam các chất thải từ lợn bệnh có thể lây lan cho lợn các địa phương, nguồn bệnh còn có thể lây qua các chất tiết như mồ hôi, lưu trữ trong thịt nên việc chuyên chở là nguy cơ lây nhiễm thịt rất lớn…
Khi lợn thành phẩm ra thị trường, lực lượng chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc… để nắm được heo này không xuất phát từ những nơi có dịch. Ngoài ra, còn tăng cường tuyên truyền cho người dân như nấu chín thịt lợn, không ăn sống, tái; không ham rẻ mà mua thịt trôi nổi.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi có thói quen sử dụng thức ăn thừa ở các nhà hàng, quán ăn để làm đồ ăn cho lợn sẽ rất dễ dẫn đến lây bệnh. Thử tưởng tượng nếu như có một con lợn nào đó vô tình “lọt” ra ngoài hàng rào đi, khi được chế biến thành món ăn, người ăn thì không bị gì nhưng thức ăn thừa đó vẫn còn virus, khi lấy thức ăn thừa đi nuôi lợn vô tình làm cho virus dịch tả dễ dàng xâm nhập vào đàn lợn khỏe mạnh.
Do vậy, người chăn nuôi đừng nên vì mối lợi nhỏ mà thiệt hại lớn, bởi chỉ cần lợn dính dịch là chắc chắn chết 100%, chỉ cần một con nhiễm dịch là phải tiêu hủy cả đàn.
Vai trò của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM như thế nào trong việc phòng chống dịch tả lợn này?
Vai trò chủ đạo trong việc phòng chống dịch là Sở NN&PTNN, trong đó Chi cục Thú y nắm vai trò là lực lượng nòng cốt. Thành phố cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, trong đó có vai trò của Ban quản lý An toàn thực phẩm. Các ngành sẽ tăng cường kiểm tra các hộ chăn nuôi, nếu dịch mà có thì phải tiêu hủy, khoanh vùng ngay; đồng thời chốt chặn các cửa ngõ để kiểm tra, khám xét lợn nhập vào TPHCM.
Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ xem có lệnh cấm lợn chuyển từ Bắc vào Nam hay không, chứ còn như bây thì chưa có lệnh cấm gì cả. Sợ nhất là thương lái có sự lừa đảo, chuyển lợn từ phía Bắc vào một địa phương nào đó ở miền Nam rồi nói là lợn miền Nam để nhập vào TPHCM tiêu thụ.
TPHCM hiện nay có 12 lò mổ tập trung, các lò mổ đều có lực lượng Thú y chốt chặn. Đây là thuận lợi hơn rất nhiều so với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, không phải tất cả lợn đều giết mổ ở TPHCM mà có cả lợn giết mổ từ các tỉnh lận rồi đưa vào. Vì vậy, vẫn phải đề cao cảnh giác, Ban ATTP cũng cử lực lượng phối hợp với Chi cục Thú y chốt chặn ở các điểm nóng để kiểm tra lợn không rõ nguồn gốc, lợn nghi ngờ có nguy cơ để xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra ở chợ đầu mối, chợ đầu mối.
Tôi khẳng định là không phải đợi đến có dịch thế này mới làm, mà Ban hầu như liên tục triển khai việc làm này từ trước đến nay. Đoàn kiểm tra đã không ít lần phát hiện lợn mở mồm long móng, lợn ôi thiu… Bắt được là tịch thu, tiêu hủy ngay tại chỗ. Nhưng Ban quản lý ATTP vẫn là nút thứ 2, khi lợn đã giết mổ; nút thứ nhất là chúng ta phải quản lợn từ khi còn sống, kiểm dịch như thế nào thì thuộc về ngành Thú y, phải kiểm soát chặt chẽ lợn từ chuồng trại đến vào lò mổ, hạn chế lợn từ phía Bắc vào.