GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội:

'Chất lượng đại biểu tự ứng cử lần này sẽ cao'

0:00 / 0:00
0:00
GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, một trong hai người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, tiếp tục tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Như Ý
GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, một trong hai người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, tiếp tục tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Như Ý
TP - “Nhiệm kỳ này sẽ rộng “cửa” hơn cho các đại biểu tự ứng cử. Tôi chắc chắn chất lượng đại biểu tự ứng cử cũng sẽ cao hơn rất nhiều”. Đó là nhận định, đánh giá của GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội khi trao đổi với PV Tiền Phong về ứng cử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tôi vẫn hồi hộp

Ông có thể chia sẻ lý do mình tiếp tục làm đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV?

Trước tiên, cá nhân tôi luôn mong muốn làm đại biểu Quốc hội. Điều này tôi đã khẳng định vào thời điểm 5 năm trước, khi nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Chính vì lý do này, tôi luôn học hỏi và quyết tâm để trở thành đại biểu dân cử. Tôi là một trong hai người tự ứng cử được cử tri tín nhiệm bầu và trở thành đại biểu Quốc hội.

Trải qua thực tiễn đại biểu dân cử trong 5 năm qua, tôi thấy thực sự thú vị, vì mình đã có những đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Được phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn Quốc hội, bản thân tôi thực sự hạnh phúc khi được làm điều đó. Qua một nhiệm kỳ, bản thân tôi càng mong muốn được tiếp tục làm đại biểu Quốc hội hơn. Tôi đã làm rất nhiều việc trong nhiệm kỳ và chắc chắn sẽ càng ngày càng nhiều việc mình muốn làm hơn. Quốc hội là diễn đàn hay nhất để thể hiện mong muốn của mình.

Bên cạnh đó, lý do tôi tiếp tục theo đuổi làm đại biểu dân cử là theo nguyện vọng, mong muốn, thúc giục của nhân dân, cử tri và bạn bè. Ai cũng khuyên tôi nên tiếp tục tham gia Quốc hội thêm khóa nữa. Tôi rất vui và xúc động vì trong nhiều lần tiếp xúc cử tri nơi tôi ứng cử, cử tri ở đơn vị bầu cử số 9 của Hà Nội, gồm huyện Đông Anh và quận Long Biên đều có ý kiến, đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục tham gia Quốc hội. Cũng có người nhắn tin, động viên tôi tiếp tục tham gia Quốc hội. Điều đó càng thôi thúc tôi tiếp tục ứng cử.

Tôi tin người có lòng tự trọng sẽ không bao giờ vận động bầu cử một cách tiêu cực. Cử tri và nhân dân rất tinh tường, họ biết hết cả. Vì vậy, nhân dân, cử tri, các cấp chính quyền và những người có trách nhiệm cũng phải lên tiếng về những trường hợp tiêu cực trong vận động bầu cử.

GS Nguyễn Anh Trí

Nhìn vào dự kiến thành phần, cơ cấu cho thấy, nhiệm kỳ này “cửa” vào Quốc hội sẽ rộng mở hơn cho những người tự ứng cử. Vì thế, thành phần tham gia và chất lượng đại biểu ứng cử lần này có thể sẽ cao hơn, cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, ông nghĩ sao?

Trong lần bầu cử trước, cả nước có 160 người đăng ký tự ứng cử. Riêng khu vực thành phố Hà Nội, lúc đầu có 49 người đăng ký. Đến khi vào vòng cuối còn tổng cộng 11 người. Kết quả có 2 người tự ứng cử đã trúng cử, trong đó có tôi và đại biểu Phạm Quang Dũng, đoàn Nam Định. Dù vẫn trong diện tự ứng cử, nhưng khác với lần trước, kỳ này tôi đã về hưu, không thuộc tổ chức, đơn vị nào cả.

Dù cũng có cơ hội nhưng tôi tự nhủ mình không nên tham gia ứng cử ở bất cứ một tổ chức, đơn vị nào. Được làm đại biểu thuộc thành phần cơ cấu, tôi rất thích nhưng bản thân lại thấy không nên. Bởi như vậy mình sẽ lấy đi cơ hội của người khác. Tôi muốn tham gia ứng cử một cách tự nguyện, được thì rất vui, không được cũng không vấn đề gì cả. Chính vì thế tôi quyết định tiếp tục tự ứng cử.

Sau khi Luật sửa đổi và theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50 người. Do vậy nhiệm kỳ này sẽ rộng cửa hơn cho đại biểu tự ứng cử như tôi.

Chưa rõ số lượng đại biểu tự ứng cử lần này nhiều hay ít, nhưng tôi chắc chắn chất lượng đại biểu tự ứng cử lần này sẽ cao hơn trước. Ngay ở đoàn Hà Nội, tôi biết chắc sẽ có một đại biểu “nặng ký” cũng tham gia tự ứng cử cho khóa tới.

Vậy cá nhân ông có tự tin mình sẽ trúng cử đại biểu Quốc hội lần này?

Khi kết quả bầu cử chưa được công bố thì không ai biết trước được điều gì cả. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, vì bầu chọn là quyền của cử tri. Còn về bản thân tôi, tôi cũng có một niềm tin mình sẽ trúng cử. Tôi không lấy danh nghĩa Giáo sư, Anh hùng Lao động, hay Công dân Thủ đô ưu tú để ứng cử mà dựa vào lợi thế khi đã có kinh nghiệm 5 năm ở diễn đàn Quốc hội.

Tôi chưa hề bị ai cản trở

Nếu tiếp tục trúng cử, ông sẽ hứa gì với cử tri và người dân đã tin tưởng bầu cho mình?

Hứa thì rất nhiều, kế hoạch dự kiến càng nhiều hơn. Đến bây giờ, cá nhân tôi vẫn đau đáu nỗi niềm, làm sao để đất nước ngày một phát triển… Tôi luôn chuẩn bị, sẵn sàng tâm thế để vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà đất nước ta đang phải đối mặt. Tôi mong muốn được cử tri bầu và nếu trúng cử sẽ tiếp tục cống hiến, làm việc hết sức mình trong vai trò của một đại biểu Quốc hội.

Nhiệm kỳ qua, cá nhân ông cũng có nhiều phát biểu, chất vấn thẳng thắn, đụng chạm đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nhạy cảm. Vậy ông có bị “vỗ vai”, hay gặp khó khăn, cản trở gì không?

Quả thực trong nhiệm kỳ qua, tôi đã tham gia góp ý vào rất nhiều lĩnh vực. Ngoài chuyên môn y tế, tôi cũng tham gia rất sâu vào lĩnh vực tài chính, ngân sách, kinh tế, phòng, chống tham nhũng… Đặc biệt, tôi thường đề cập rất sâu vào công tác cán bộ. Tôi cũng chính là người đề xuất về vấn đề văn hóa từ chức. Những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm, rồi rất nhiều dự án luật nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, điển hình như dự án Luật Đặc khu, tôi đều tham gia tích cực.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, tôi tuyệt đối chưa gặp bất cứ một sự ngáng trở, ngăn cản nào cả. Tôi đặc biệt cảm ơn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nơi có nhiều đại biểu rất trí tuệ, nơi tập trung nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, cùng nhiều giáo sư trong các lĩnh vực. Tất cả những ý kiến hay, dù có thể đụng chạm cũng đều được biểu dương, động viên.

Tại diễn đàn Quốc hội, rất nhiều lần tôi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nhiều lần trong giờ giải lao, Thủ tướng đều vui vẻ gọi tên và biểu dương đại biểu Trí vì “câu hỏi hay quá”. Tuyệt đối không có gì cấm cản cả. Hay có lần tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về vấn đề bụi mịn ở Hà Nội. Tôi đã tranh luận với Bộ trưởng và đưa ra những con số cụ thể từ các tài liệu báo cáo gửi Quốc hội. Nhưng từ đó, chẳng những tôi không bị bộ trưởng bực bội mà còn rất quý mến. Rồi Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH và một số tư lệnh ngành khác cũng vậy. Ngoài phát biểu, chất vấn trực tiếp, có nhiều việc tôi gặp riêng, trao đổi ngoài hành lang rất nhiều. Họ đều lắng nghe, tiếp thu và không hề bực bội.

Tôi dám khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, tôi chưa làm gì, nói gì để phục vụ cho bất cứ công việc riêng nào của mình cả.

Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng lobby (vận động hành lang), “vận động không trong sáng”, thậm chí “chạy phiếu” có thể diễn ra trong mỗi lần bầu cử?

Vận động bầu cử là vấn đề của mọi quốc gia. Luật của chúng ta cũng cho phép vận động bầu cử. Tuy nhiên, việc vận động bầu cử phải tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp, kể cả thời điểm, mức độ. Đồng thời vận động bầu cử cũng phải có văn hóa, tuân thủ theo đúng văn hóa, văn minh của quốc gia, dân tộc.

Tôi tin người có lòng tự trọng sẽ không bao giờ vận động bầu cử một cách tiêu cực. Cử tri và nhân dân rất tinh tường, họ biết hết cả. Vì vậy, nhân dân, cử tri, các cấp chính quyền và những người có trách nhiệm cũng phải lên tiếng về những trường hợp tiêu cực trong vận động bầu cử. Vì vấn đề đó làm xấu đi kết quả cuộc bầu cử cũng như hình ảnh của một quốc gia. Những trường hợp vi phạm, tôi đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc; Nếu phát hiện người nào có hành vi vi phạm pháp luật, “chạy phiếu”, cần có kỷ luật và phải sớm loại bỏ, không để họ tham gia ứng cử.

Cảm ơn GS!

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người. Trong đó, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%). Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu. Trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa mới, có 95 Ủy viên Trung ương, trong đó có 12-14 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 người và đại biểu tái cử khoảng 160 người.

MỚI - NÓNG