Con trai đặc cách, con dâu “một mình một phòng thi”
Phản ánh tới Tiền Phong, nhiều cán bộ ngành tòa án Hải Dương bức xúc trước việc Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương (Tòa Hải Dương), ông Đào Đình Hân cho tuyển dụng đặc cách con trai là Đào Chính Hướng (sinh năm 1991, tốt nghiệp Thạc sĩ Luật ở Anh) và sau đó lại cho tổ chức thi tuyển công chức cho con dâu về làm Thư ký viên của tòa trong thời gian cách nhau khoảng 1 năm.
Điều đáng nói, việc thi tuyển cho con dâu là bà Nguyễn Hoàng Phương bị tố có “nhiều vấn đề” về quy trình tuyển dụng khi không có thông báo tuyển dụng công khai. Việc tuyển dụng được thực hiện đúng thời điểm Tòa án nhân dân Tối cao có Công văn số 179 ngày 13/3/2017 yêu cầu các tòa án địa phương dừng tuyển dụng công chức để sắp xếp tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, việc thi tuyển công chức của con dâu ông Hân cũng bị tố có khuất tất khi cả hội đồng thi chỉ có duy nhất bà Phương là ứng viên được thi và trúng tuyển. Việc thi tuyển cho con dâu ông Hân cũng được đánh giá là “chạy chỗ vét” trước khi Tòa án Tối cao dừng tuyển dụng công chức ở các địa phương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mạc Minh Quang, Phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, thừa nhận đã ký quyết định tuyển dụng cả hai trường hợp con trai và con dâu của Chánh tòa Hải Dương. Việc tuyển dụng này, theo ông Quang là thực hiện theo đúng quy trình, còn nội dung tuyển dụng cụ thể đúng sai thế nào thì phải do ông Hân trực tiếp trả lời.
Sẽ rút kinh nghiệm trong tuyển dụng
Lý giải việc con trai đi học ở Anh về được đặc cách xét tuyển kiểu “một mình một chợ” vào làm Thư ký tòa, trao đổi với PV Tiền Phong, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương Đào Đình Hân thừa nhận việc tuyển dụng con trai và con dâu là “có sự ưu ái” nhưng theo ông, làm điều đó không có nghĩa làm trái quy định. Ông Hân nói rằng, chính ông đã “bắt” con trai về làm tại tòa.
Ông Hân cho hay, con trai ông tốt nghiệp Thạc sĩ Luật ở Anh và được xét tuyển vào làm thư ký Tòa án tỉnh Hải Dương không qua thi vào tháng 3/2016. Quyết định bổ nhiệm do ông Mạc Minh Quang-Phó chánh án tòa tỉnh Hải Dương trực tiếp ký. Theo ông Hân, việc xét tuyển chỉ xét cho một mình con trai ông vì không phải ai cũng đáp ứng đủ điều kiện xét.
“Ở Hải Dương không có người có bằng Thạc sĩ”, ông Hân khẳng định. Theo ông Hân, khi thông báo xét tuyển con trai, tòa chỉ làm thông báo trên Đài truyền hình Hải Dương mà không có thông báo ngay trên website của đơn vị hay của ngành. “Sau lần này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm về việc đăng thông báo tuyển dụng”, ông Hân nói.
Ông Hân nói rằng, sau khi bị có ý kiến về việc tuyển dụng đặc cách cho con trai, ông đã làm báo cáo, giải trình với Tòa án nhân dân tối cao về việc tuyển dụng này. Sau khi ông báo cáo, Tòa án nhân dân tối cao cũng có nhắc nhở rút kinh nghiệm về việc tuyển dụng. “Khi tôi làm Chánh án cũng tuyển dụng 20-30 người. Anh em cơ quan cũng nói, con em người khác còn tuyển dụng được, đằng này con trai Chánh án cũng có đủ các bằng cấp mà chả nhẽ không được. Vì thế, tôi mới bảo con về làm tại tòa”, ông Hân nói.
Về việc con dâu “một mình một phòng thi” và sau đó trúng tuyển, ông Hân nói rằng, tại thời điểm tuyển dụng bà Nguyễn Hoàng Phương, Tòa Hải Dương có kế hoạch tuyển dụng cả kế toán và thêm 2-3 chỉ tiêu vào nữa nhưng không có ai nộp hồ sơ vào vị trí Thư ký tòa. Tuy nhiên, đối chiếu với thông báo tuyển dụng công chức do chính Tòa Hải Dương cung cấp, chỉ tuyển dụng duy nhất một vị trí Thư ký viên và một công chức ngạch kế toán viên thông qua hình thức thi tuyển.
Khi được đề nghị cho xem đủ bộ hồ sơ tuyển dụng công chức bao gồm quyết định lập hội đồng thi tuyển công chức, kế hoạch tuyển dụng công chức, biên bản họp Đảng ủy, hồ sơ và bài thi cũng như biên bản chấm điểm của bà Phương cùng các biên bản báo cáo Tòa án nhân dân tối cao về việc tuyển dụng công chức, ông Hân cho rằng, đây là những hồ sơ do bộ phận tổ chức nhân sự nắm giữ và thuộc bí mật nội bộ của ngành, không thể cho xem được (?!).
Ông Hân cũng giải thích thêm về việc vẫn thực hiện tuyển dụng khi đã nhận được thông báo tạm dừng tuyển công chức. Ông cho rằng, việc tuyển dụng là không sai nhưng do đoạn cuối công văn của Tòa án nhân dân tối cao có nêu việc các tòa địa phương nếu đã có kế hoạch và đang thực hiện việc tuyển dụng trước khi có công văn của tòa tối cao thì phải báo cáo lên cấp trên. “Tôi đã báo cáo lên Tòa tối cao và sau đó vẫn tổ chức thi tuyển”, ông Hân nói.
Để tăng độ xác tín về việc có công khai thông tin việc tuyển dụng, ông Hân yêu cầu nhân viên mang hồ sơ thông báo tuyển dụng của bà Phương. Tuy nhiên, bộ hồ sơ chỉ gồm một bản thông báo tuyển dụng kèm hợp đồng quảng cáo 3 kỳ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương và một tờ hóa đơn bán hàng bản phô tô (không có bản chính và không phải hóa đơn VAT theo quy định về tài chính). Tờ hóa đơn bán hàng phô tô có ghi hình thức thanh toán là chuyển khoản.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Hân cho rằng, các nội dung tố cáo là do nội bộ đưa ra và nhằm vào uy tín cá nhân của ông và của ông Quang. “Tôi đã bảo rồi, chính vì thế tháng trước tôi đã làm quy trình (cho ông Quang-PV) hết cả rồi”, ông Hân nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một cựu lãnh đạo ngành tòa án (đề nghị không nêu tên) khẳng định, việc tuyển dụng con trai và con dâu Chánh tòa Hải Dương có vấn đề và chưa có tiền lệ. “Trong lịch sử ngành tòa án Hải Dương, theo tôi biết, chưa từng có trường hợp được đặc cách xét tuyển như vậy. Mọi trường hợp tuyển dụng phải căn cứ theo chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm của ngành. Việc tuyển dụng công chức phải được đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và phải có hồ sơ đầy đủ lưu giữ để các cơ quan chức năng kiểm tra”, vị này khẳng định.
“Việc tuyển dụng liên tiếp hai trường hợp con trai và con dâu của Chánh án Tòa Hải Dương vào ngành cũng gây nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ ngành. Giờ giải thích tuyển dụng đúng quy trình hay không thì cần cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra toàn bộ hồ sơ và quy trình tuyển dụng là rõ ngay việc tuyển dụng đúng hay sai. Còn với người trong ngành chúng tôi đều biết việc này”, một cựu lãnh đạo ngành tòa án nói với Tiền Phong.