'Báo chí viết về phòng, chống tham nhũng ngày càng ít'

Đông đảo nhà báo, phóng viên tham dự buổi tập huấn
Đông đảo nhà báo, phóng viên tham dự buổi tập huấn
TPO - Đó là chia sẻ của ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong tại buổi Tập huấn, bồi dưỡng “Kỹ năng viết bài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho phóng viên, biên tập viên”. 

Chương trình do Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 27/11.

Theo Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đoàn Công Huynh, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt chú trọng, xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, các vụ việc tiêu cực đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu điều tra, xét xử nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Theo ông Huynh, báo chí luôn là lực lượng chủ lực thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về hành động trong cán bộ, Đảng viên, công chức và nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái tiêu cực trong xã hội, báo chí trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, góp phần cung cấp những cứ liệu ban đầu quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc, đấu tranh có hiệu quả đối với mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cục trưởng Đoàn Công Huynh chia sẻ với phóng viên, biên tập viên: “Đây là mảng đề tài khó, phức tạp, đôi khi phải vượt qua cám dỗ, phải chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Song, tôi tin rằng với bản lĩnh của nhà báo cách mạng, các nhà báo sẽ tiếp tục phát huy và đồng hành cùng Đảng và Nhà nước trong đấu tranh với cái xấu, với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong xã hội”.

'Báo chí viết về phòng, chống tham nhũng ngày càng ít' ảnh 1 Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đoàn Công Huynh phát biểu tại buổi tập huấn

Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nhận định, báo chí đã tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ rất lâu, thành công nhiều mà rủi ro, mất mát cũng vô kể. Đây là một mặt trận mà mỗi nhà báo đều phải tự trang bị kỹ năng dày dạn cho mình.

Bản thân các nhà báo rất muốn đưa thông tin chính xác, khách quan, trung thực nhưng để tiếp cận các thông tin, nhất là về phòng chống tham nhũng rất khó. Nếu làm theo đường hợp pháp thì báo chí thường không có bài để đăng, phải chờ báo cáo, kết luận, rất mất thời gian. Nhà báo phải tự thân vận động, tìm kiếm thông tin từ mọi nguồn.

Theo ông Sưởng, vấn đề tuyên truyền về phòng chống tham nhũng có vẻ ngày càng ít đi trên báo chí, đặc biệt trên báo điện tử; nhiều tờ báo không còn chú trọng thể loại Điều tra; Đa phần các nhà báo trẻ ngại làm điều tra.

Nguyên nhân, do lĩnh vực này đòi hỏi nhiều công sức, kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ khá toàn diện. Việc tác nghiệp trong lĩnh vực này rất khó khăn, thầm lặng...Khả năng rủi ro cao, trong khi năng lực bảo vệ và tự bảo vệ có hạn; Vấp phải sự phản ứng từ phía các cá nhân/đơn vị là đối tượng điều tra...

Tại buổi tập huấn, các học viên cũng được nghe những chia sẻ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua; Giải pháp hạn chế thiếu sót khi thông tin đối ngoại về vấn đề tham nhũng, tiêu cực; giảm thiểu tổn hại hình ảnh đất nước, uy tín quốc gia; Trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm viết về phòng, chống tham nhũng trên báo chí....

MỚI - NÓNG